Càng bán càng lỗ, DN kiến nghị thay đổi chính sách bán nhà ở xã hội

Từ câu chuyện 1 dự án nhà ở xã hội ở Bắc Ninh xin ngừng bán do thua lỗ, các DN bất động sản đề xuất thay đổi chính sách bán nhà ở xã hội để phát triển loại hình nhà ở này.

Theo quy định hiện nay, giá bán nhà ở xã hội không được vượt quá 10% tổng chi phí xây dựng. Dự án nhà ở xã hội Cát Tường tại tỉnh Bắc Ninh, 3 năm trước, được phê duyệt giá bán là 10,5 triệu đồng/m2. Dù giá vật liệu, nhân công tăng, nhưng giá bán không được phép tăng lên, khiến doanh nghiệp càng bán càng thua lỗ. Doanh nghiệp kiến nghị cần thay đổi cách tính giá bán đóng khung như hiện nay.

“Chúng tôi đã trao đổi với những chủ đầu tư làm nhà ở xã hội và thấy rằng đặt ra cái tiêu chuẩn về nhà ở xã hội, sau đó đưa ra giá trần, giá sàn. Bởi thị trường nhà ở xã hội đòi hỏi phải cạnh tranh, do vậy quyết định bán ở giá nào, làm ở phân khúc nào cho nhóm nhà ở này cũng cần có yếu tố thị trường quyết định. Do vậy nên có quy định về giá sàn và giá trần”, ông Phạm Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Cát Tường, cho hay.

Các doanh nghiệp cho biết, giá nguyên vật liệu đã tăng 10 – 20%. Nếu không thay đổi cách tính giá, một số dự án chỉ có thể lựa chọn các trang thiết bị, vật liệu giá rẻ, thậm chí thiếu chất lượng.

Càng bán càng lỗ, DN kiến nghị thay đổi chính sách bán nhà ở xã hội - Ảnh 1.

Theo quy định, giá bán nhà ở xã hội không được vượt quá 10% tổng chi phí xây dựng. (Ảnh minh họa – Ảnh: PLO)

“Cứ theo quy định hiện nay, những người ở nhà thu nhập thấp phải ở nhà có vật liệu chất lượng thấp, không đảm bảo tiêu chuẩn”, ông Ngô Tiến Cường, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại và Vận tải Cường Thịnh, chia sẻ.

Theo Bộ Xây dựng, cả nước đã hoàn thành khoảng 250 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp, chỉ đạt khoảng 41,7% so với mục tiêu đề ra. Bộ đang tính đến các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xây nhà ở xã hội để tăng nguồn cung.

“Có thể nghiên cứu, xem xét để tăng mức lợi nhuận của dự án lên trong thời gian tới. Phương án thứ hai là xem xét không quy định lợi nhuận định định mức mà quy định vào giá trần được bán và giá trần do từng địa phương quy định”, ông Hà Quang Hưng, Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, nhận định.

Đại diện nhiều doanh nghiệp chia sẻ, từ kinh nghiệm thực tế cho thấy, nếu thua lỗ khi triển khai dự án nhà ở xã hội, doanh nghiệp phải đành chịu, chứ khó có chuyện xin được nâng giá bán đã được phê duyệt, bởi khung giá đã được quy định cụ thể, khó thay đổi. Chưa kể, việc nâng giá bán còn ảnh hưởng tới quyền lợi của người mua trước và người mua sau, ngay trong cùng một dự án.

Compare listings

Compare