Thực tế trong 21 năm vừa qua đầu tư vào cổ phiếu tại Việt Nam và đầu tư theo phương pháp tái đầu tư cho cổ phiếu thì chúng ta được mức tăng trưởng bình quân 15,9%/ năm. Trong khi đó kênh bất động sản, cụ thể đây là bất động sản nhà ở là 11,9%/năm. Kênh nắm giữ USD có mức thấp nhất là 2,2%/năm.
“Làm lụng cả đời không bằng tiền lời lô đất” có lẽ là câu quảng cáo bạn dễ dàng nghe được khi mở Youtube gần đây. Tuy nhiên sự thật đầu tư bất động sản có phải là kênh đầu tư tốt nhất như vậy không?
Chia sẻ tại buổi hội thảo trực tuyến tổ chức mới đây trên VnEpress, ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc hoạch định chiến lược đầu tư của Dragon Capital Việt Nam cho rằng kênh đầu tư bất động sản thực sự không có khả năng sinh lời tốt nhất.
Ông Tuấn lấy ví dụ mình từng mua một căn nhà tại Tp. Hồ Chí Minh vào năm 2009 giá khoảng 27 triệu đồng/m2. Giá hiện tại căn nhà này là 150 triệu đồng/m2 có nghĩa là tài sản của ông Tuấn tăng gần được 5-6 lần. Chuyên gia tài chính này cho biết khu đất ông đầu tư có mức độ tăng giá tương đối tốt. Tổng chi phí đầu tư cả nhà và đất của ông Tuấn là 4,3 tỷ đồng, giá nhà của ông trước thời điểm Covid-19 xảy ra là 12,7 tỷ đồng.
Như vậy ông Tuấn cho biết nếu tính khoảng thời gian dài thì hiệu suất đầu tư của bản thân khoảng 9,1%/năm trên khoản đầu tư 4,3 tỷ đồng. Nếu chỉ xét riêng khoản đầu tư là khu đất thì hiệu suất là 14% cho khoảng tầm 12 năm.
“Điều đó đồng nghĩa nếu mình nói khu đất nào đó tăng 10 lần thì cũng có những mã cổ phiếu tăng 10 lần trong 1 năm. Chúng ta không thể nhìn vậy được, phải nhìn bình quân dài hạn”, ông Tuấn khẳng định.
Không chỉ lấy ví dụ đầu tư của chính bản thân, chuyên gia Dragon Capital còn minh họa bằng dữ liệu đầu tư trên thế giới. Cụ thể cách đây 100 năm, thế giới trải qua đại dịch cúm Tây Ban Nha nguy hiểm và khiến số người chết từ 50-70 triệu người. Sau đại dịch cúm này, thế giới rơi vào chiến tranh thế giới thứ nhất, rồi sau đó là chiến tranh thế giới thứ hai.
Tuy nhiên ông Tuấn cho biết theo nghiên cứu của Dragon Capital chúng ta đầu tư khi đại dịch cúm Tây Ban Nha diễn ra, hai lần chiến tranh thế giới thì hiệu quả đầu tư của 100 năm qua cực kỳ tốt. Nếu chúng ta đầu tư vào cổ phiếu thì tốc độ tăng trưởng khoảng 10,5%/năm. Tốc độ tăng trưởng nếu đầu tư vào trái phiếu là 6,5%/năm trong khi bất động sản nhà ở (3,7%) và vàng (4,7%) là hai kênh đầu tư kém nhất.
Chuyên gia quản lý quỹ này giải thích, nếu vốn của bạn là 1.000 USD đầu tư qua 3 thế hệ, khoảng 100 năm thì các thế hệ sau của bạn sẽ có 21,6 triệu USD nếu đầu tư vào chứng khoán. Còn nếu các bạn đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp mặc dù lãi suất chỉ từ 4% đến 6% so với 10,5% thì các bạn chỉ có 0,54 triệu USD. Còn nếu đầu tư vào vàng thì các bạn sẽ gần 100.000 USD. Hiệu suất đầu tư của các khoản nhỏ trong thời gian dài là rất lớn.
Như vậy có thể thấy hiệu suất đầu tư cổ phiếu (10,5%) và trái phiếu (6,5%) trên thị trường thế giới lớn hơn vàng (4,7%) và bất động sản nhà ở (3,7%).
Quy luật đầu tư này cũng xảy ra tương tự tại Việt Nam. Ông Lê Anh Tuấn thống kê sơ lược dữ liệu trong vòng 21 năm từ khi thị trường chứng khoán Việt Nam thành lập. Theo đó trong 21 năm vừa qua đầu tư vào cổ phiếu tại Việt Nam và đầu tư theo phương pháp tái đầu tư cho cổ phiếu thì chúng ta được mức tăng trưởng bình quân 15,9%/ năm. Trong khi đó kênh bất động sản, cụ thể đây là bất động sản nhà ở là 11,9%/năm. Kênh nắm giữ USD có mức thấp nhất là 2,2%/năm.
Nói nôm na nếu các bạn bỏ 100 triệu đồng vào chứng khoán năm 2000 đến giờ các bạn đã có 2,2 tỷ đồng Việt Nam vào năm 2021. Nếu các bạn bỏ vào giá trị chung cư theo Savills, CBRE thì 100 triệu đồng các bạn có khoảng 1,06 tỷ đồng. Còn bỏ vào USD thì số tiền thu về chỉ đạt 159 triệu đồng. Bỏ vào vàng sẽ thu về 611 triệu đồng.