Chuyên gia: Đất Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn không sốt vì tin quy hoạch

Chuyên gia đánh giá, đất Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn “có ấm lên nhưng không sốt nóng”, nhà đầu tư cần thận trọng trước khi xuống tiền.

Chị Nga, một nhà đầu tư cho biết, nhiều bạn bè chia sẻ đang “sôi sục” với đất Đông Anh vì nghe tin nơi này đang được quy hoạch lên thành phố. “So với đợt giãn cách, vùng Sơn Du, Nguyễn Khê ở Đông Anh đã lên mạnh”, chị kể.

Một nhà đầu tư khác tên Nam cho biết, các thành viên trong nhóm chat trên Zalo, Facebook đợt này bàn luận khá sôi nổi về câu chuyện quy hoạch “thành phố trong thành phố” của Hà Nội. “Có mấy anh chị em hào hứng quá rủ nhau đi xem đất cát bất chấp thời tiết mưa lạnh. Nhưng cũng nhiều người dè dặt sợ bị thổi giá”, anh nói.

Theo khảo sát, đất ở Đông Anh đang được rao với giá khoảng 20–40 triệu đồng một m2, với những mảnh gần đường là 45–55 triệu đồng một m2, và có thể lên tới 80–150 triệu đồng một m2 với những mảnh đất đẹp ở trung tâm huyện Đông Anh.

Một số môi giới nhà đất cho biết, đất Đông Anh từ trước đến nay vốn giá đã cao, thậm chí một số vị trí được rao ngang ngửa đất trong nội đô. Sau giai đoạn đỉnh dịch sốt đất vừa qua, giá đất có giảm nhưng nay bắt đầu có dấu hiệu tăng nhẹ trở lại.

Tuyến đường trục Mê Linh nối các huyện Đông Anh, Mê Linh (Hà Nội) với huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc). Ảnh: Bá Đô
Tuyến đường trục Mê Linh nối các huyện Đông Anh, Mê Linh (Hà Nội) với huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc).

Tại Mê Linh, một môi giới cho biết, mảnh đất trong khu dân cư được rao bán 20–30 triệu đồng một m2, đất dự án khoảng 20–25 triệu đồng một m2. Còn đất nền tại Sóc Sơn đang được rao bán 4–10 triệu đồng một m2.

Trong khi đó, giới chuyên gia cho rằng, thị trường bất động sản Đông Anh, Mê Linh… đang ấm dần lên nhưng cho thấy thị trường phục hồi chứ không phải tăng nóng, đột biến như giai đoạn đầu năm

Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc trang Batdongsan dẫn dữ liệu lớn trên trang địa ốc trực tuyến này cho biết, mức độ quan tâm của nhà đầu tư đã hồi phục 50-70% so với hồi tháng 8, thời điểm được xem là vùng đáy. Riêng với khu vực Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn, một tuần sau khi có thông tin những nơi này có thể được quy hoạch lên thành phố, mức độ quan tâm của nhà đầu tư lần lượt bằng 50%, 60% và 75% so với hồi tháng 3 – giai đoạn cả nước đang sốt đất.

Cùng quan điểm, ông Vũ Trường Thắng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Winhousing Việt Nam cũng cho rằng, khu vực này đã được nhà đầu tư quan tâm trước khi có thông tin được quy hoạch “thành phố trong thành phố”.

Ví dụ, nhiều nhà đầu tư quan tâm đến những lô đất diện tích lớn ở Mê Linh, Sóc Sơn để đầu tư dài hạn, nghỉ dưỡng. Nhu cầu về loại hình bất động sản này đã phát sinh nhiều hơn khi Covid-19 ập đến. Một số nhà đầu tư khác thì quan tâm đến bất động sản phân lô bán nền vì những nơi này tập trung nhiều khu công nghiệp, doanh nghiệp FDI với hàng chục nghìn công nhân…

Tuy nhiên, theo chuyên gia, mặt bằng giá của các thị trường này không có nhiều biến động lớn.

Như với đất tại huyện Mê Linh, giá rao bán trên thị trường hiện nay cao hơn nhiều so với mức xác định đấu giá của huyện, vốn dao động trong khoảng 9–16 triệu đồng một m2 tuỳ vị trí. Chia sẻ trên báo giới gần một tuần sau thông tin quy hoạch, Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Mê Linh cho biết, giao dịch đất đai trên địa bàn gần đây chủ yếu là đấu giá, hồ sơ chuyển nhượng rất ít. Theo đó, việc sốt giá không thực tế, và không loại trừ có đối tượng lợi dụng thông tin quy hoạch để “thổi giá”.

Ông Quốc Anh cũng nhận định: “Mặt bằng giá đang đi ngang, chưa tăng nhiều lắm, nếu có cũng chỉ dao động 10-20 triệu đồng”.

Số liệu của trang Batdongsan cho thấy, bất động sản khu vực Đông Anh có giá rao bán trung bình 32 triệu đồng một m2, Mê Linh là 20 triệu đồng một m2, Sóc Sơn là 9 triệu đồng một m2. Ông Quốc Anh cho biết, việc giá chưa có nhiều biến động một phần có thể là do độ trễ. Bởi trước thông tin quy hoạch, người mua có xu hướng xem xét, người bán có thể đẩy giá lên rồi găm lại.

Theo các chuyên gia, dòng tiền sẽ tiếp tục đổ vào nhà đất khi lãi suất dự kiến giảm vì dòng tiền được bơm vào nền kinh tế nhiều hơn và một số lĩnh vực kinh doanh e ngại dịch bệnh nên chưa được đầu tư mạnh trở lại. Việc rót vốn vào các nơi có tiềm năng quy hoạch như Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn theo đó có thể là một lựa chọn của giới đầu tư.

Tuy nhiên, ông Thắng lưu ý, những nhà đầu tư muốn mua vào ở thời điểm này, cần xác định đây là khoản đầu tư dài hạn và không sử dụng đòn bẩy tài chính quá nhiều mới có lợi trong tương lai. Nguyên nhân các khu vực này có điểm chung là đang chờ quy hoạch, dự án lớn triển khai, và hạ tầng giao thông kết nối nội đô vẫn chưa hoàn chỉnh. Hiện chỉ có cầu Thăng Long, Nhật Tân nối Đông Anh, Mê Linh vào trung tâm Hà Nội.

Bên cạnh đó, thị trường cũng khó xảy ra một cơn sốt giúp nhiều nhà đầu tư có cơ hội lướt sóng như trước. “Trong thị trường nhiều rủi ro, khách hàng sẽ cân nhắc kỹ và thường những sản phẩm nào đã xong pháp lý, sổ đỏ trao tay sẽ nhận được nhiều quan tâm của nhà đầu tư”, ông Thắng nói.

Ông Quốc Anh cũng nói thêm rằng nhiều nhà đầu tư trong quý I chưa thoát được hàng, nên họ sẽ cân nhắc rất kỹ lưỡng về giá. “Họ sẽ cẩn trọng để đánh giá xem mức giá cao như thế có phải là giá thực hay là chỉ là cách tạo giá của môi giới, người kinh doanh đất”, ông nói.

Còn ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam lại đưa ra 3 lời khuyên cho nhà đầu tư. Thứ nhất là phải xác định được thời điểm lợi nhuận quay về nhanh nhất. Tiếp theo là tính thanh khoản. “Mua rồi bán lời ít cũng được nhưng phải bán được, chuyển nhượng được”, ông nói.

Nhà đầu tư cũng cần cẩn trọng sử dụng đòn bẩy tài chính, tránh tạo ra gánh nặng cho bản thân. Cuối cùng ông nhấn mạnh đến là tính pháp lý, quy hoạch, tức nếu chưa rõ thông tin quy hoạch có thật hay không, như thế nào thì cần cẩn trọng.

Compare listings

Compare