Phân khúc shophouse đang lên ngôi, chuyên gia đưa ra lời khuyên gì cho người mua nhà?

Sở hữu nhiều ưu điểm vượt trội trong khi nguồn cung còn hạn chế, nhà phố thương mại (shophouse) đang là kênh hấp dẫn của giới đầu tư trong những năm trở lại đây.

 

Shophouse vốn là mô hình khá phổ biến trên thế giới, đặc biệt là tại nhiều quốc gia phát triển tại châu Á như Singapore (dãy phố mua sắm Geylang), Malaysia (shophouse ở Penang, Malacca). Tại Việt Nam những năm gần đây, shophouse cũng nhanh chóng tạo nên xu hướng đầu tư mạnh mẽ.

Theo thống kê của Savills, trong quý 3/2018 tổng nguồn cung biệt thự, liền kề của thị trường Hà Nội đạt 43.255 căn. Trong đó chiếm đến gần 30% là sản phẩm shophouse, còn số này tăng mạnh mẽ so với 10-20% cách đây vài năm.

Còn báo cáo về thị trường BĐS Hà Nội quý 3 của CBRE cũng chỉ rõ, thị trường ghi nhận nguồn cung tích lũy đến quý 3/2018 là 4.934 căn biệt thự, 5.584 căn liền kề và 3.086 căn nhà phố. Đặc biệt, nguồn cung mới trong quý 3/2018 cũng ghi nhận trong khi chỉ có 60 căn liền kề ra mắt trong quý này thì có đến 97 căn shophouse được giới thiệu ra thị trường.

Nhận định về phân khúc shophouse, bà Nguyễn Hoài An – Giám đốc bộ phận nghiên cứu và tư vấn phát triển của CBRE Việt Nam tại Hà Nội cho biết: “Nhà phố là mô hình khá quen thuộc với Việt Nam, do gắn liền với thói quen tiêu dùng và mức độ thuận tiện trên các tuyến phố. Nhà phố vừa có thể sử dụng để ở và vừa có không gian kinh doanh. Trong các dự án khu đô thị, phân khúc shophouses đang là một loại sản phẩm mới có sức hút với nhà đầu tư”

“Shophouse có ưu thế sự kết hợp giữa yếu tố kinh doanh “shop” và để ở “house”. Khả năng kinh doanh kết hợp với mô hình nhà ở là điểm khác biệt của mô hình này so với loại nhà ở gắn liền với đất thông thường. Tuy nhiên có một điểm đáng lưu ý là mô hình shophouse của một số dự án có thời gian sở hữu 50 năm hay vì freehold. Với việc này thì mô hình shophouse sẽ thiên về yếu tố “shop” hơn là “house””, bà An cho biết.

Bà An cũng chia sẻ thêm để chọn được một sản phẩm shophouse tốt người mua nhà cần quan tâm đến 5 yếu tố. Thứ nhất là vị trí và tiếp cận, đó là khả năng kinh doanh của sản phẩm trong đó yếu tố cộng đồng và mật độ dân số bao gồm dân cư, mức thu nhập, thói quen và sở thích tiêu dùng là các yếu tố có vai trò quan trọng. Nếu shophouse nằm trong khu vực tiệm cận xung quanh chưa có, khó tiếp cận, dân cư ít, thì mô hình này cũng chỉ như nhà liền kề thông thường khác.

 

Thứ hai là thiết kế, người mua nhà phải chọn những shophouse có thiết kế tiện lợi và thẩm mỹ phù hợp với nhu cầu kinh doanh. Thứ ba là uy tín chủ đầu tư. Thứ tư là khả năng thích ứng linh hoạt về mặt không gian bán lẻ với thay đổi về thị hiếu tiêu dùng cũng như đơn vị bán lẻ

“Cuối cùng là sự cân đối giữa mức giá mua shophouse với tiềm năng cho thuê. Trong đó, người mua nên xem xét đến tiềm năng phát triển du lịch của vị trí dự án nhằm đảm bảo khả năng cho thuê (lợi nhuận thu được) của bất động sản sau này”, bà An nhấn mạnh.

Theo Tri Thức Trẻ

Compare listings

So sánh