Điều gì sẽ xảy ra với thị trường bất động sản năm 2019? Là câu hỏi được đặt ra nhiều tại các hội nghị, hội thảo về bất động sản gần đây. Nhiều chuyên gia kinh tế đã có những đánh giá, dự báo về thị trường thời gian tới.
Theo ông Nguyễn Trần Nam – Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, thị trường BĐS Hà Nội và TPHCM đang có sự phát triển bền vững với tốc độ ổn định. Các dự án vẫn tiếp tục được đầu tư mạnh và liên tục cung cấp ra thị trường.
Chỉ tính riêng trong quý III/2018, 2 địa phương này đã đưa vào thị trường 20.328 sản phẩm mới. Cơ cấu sản phẩm hợp lý, kéo theo giao dịch thành công tăng, đạt 12.720 sản phẩm, nâng tỷ lệ hấp thụ đạt 63,5%.
Con số này tăng gấp rưỡi so với lượng giao dịch của năm 2014 chứng tỏ người mua nhà phần lớn từ nhu cầu thực, đồng thời cho thấy không có biểu hiện của thị trường “sốt ảo” hoặc bong bóng BĐS. Đáng chú ý, mặc dù giao dịch tăng trưởng mạnh nhưng giá BĐS luôn được giữ ở mức ổn định.
Bên cạnh đó, nhu cầu thị trường BĐS nghỉ dưỡng hiện nay rất lớn, khả năng thanh toán tốt, tuy nhiên đang có sự chững lại nhất định do các vấn đề về pháp lý. Thời gian tới, với sự tăng trưởng mạnh của du lịch, nhu cầu về cơ sở lưu trú phục vụ du lịch, đặc biệt là các tín hiệu tích cực khi Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành liên quan khẩn trương xây dựng ban hành theo thẩm quyền các văn bản về quy chuẩn tiêu chuẩn, quy chế quản lý vận hành, quy định chế độ sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu.
Như vậy, loại hình BĐS nghỉ dưỡng đã chính thức được thừa nhận và bước đầu được thể chế hóa. Khi đó, phân khúc BĐS này chắc chắn sẽ có sự tăng trưởng tích cực.
Ông Vũ Văn Phấn – Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng), cho biết theo kinh nghiệm của các nước cũng như ở nước ta trong những năm qua “bong bóng” bất động sản thường chỉ xảy ra khi hội tụ các yếu tố như: Kinh tế vĩ mô không ổn định, tăng trưởng nóng; các thị trường đầu tư khác không ổn định, kém hấp dẫn; nguồn cung các loại sản phẩm bất động sản bị hạn chế, quá thiếu so với nhu cầu; chính sách tài chính, tín dụng bất động sản bị buông lỏng, nguồn vốn đổ vào thị trường bất động sản quá lớn…
Tuy nhiên, qua phân tích các yếu tố vĩ mô cho thấy thị trường BĐS trong năm 2019 vẫn có sự tăng trưởng ổn định, mặc dù vẫn sẽ có sự xuất hiện sốt giá đất cục bộ tại một số khu vực.
Do đó, để tiếp tục bình ổn thị trường bất động sản năm 2019, ông Phấn đề xuất các bộ ngành cần sớm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật về xây dựng, nhà ở, kinh doanh bất động sản theo hướng cắt giảm tối đa các điều kiện, thủ tục đầu tư kinh doanh và bổ sung chính sách hỗ trợ về nhà ở đối với các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức nhà nước có khó khăn về nhà ở.
Cần sớm nghiên cứu, sửa đổi bổ sung hoặc xây dựng mới chính sách thuế nhằm chống đầu cơ trong lĩnh vực bất động sản, góp phần bình ổn thị trường bất động sản, sử dụng hiệu quả đất đai.
Tập trung triển khai, thực hiện nghiêm túc các giải pháp, nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 25.1.2017 để đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới, trong đó Ngân sách nhà nước cần sớm bố trí nguồn vốn cấp bù lãi suất cho 4 Ngân hàng thương mại để tiếp tục cho vay nhà ở xã hội.
Hoàn thiện hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản theo nghị định số 117/2015/NĐ-CP ngày 12.11.2015 của Chính phủ để đưa vào khai thác, vận hành.
Đối với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần tuyên truyền, phổ biến và tổ chức thực hiện đúng các quy định của pháp luật hiện hành liên quan đến đầu tư phát triển và quản lý thị trường bất động sản, từ khâu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, đầu tư xây dựng, kinh doanh, công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất và quản lý vận hành các bất động sản nói chung và nhà ở nói riêng.
Thường xuyên theo dõi, nắm bắt thông tin, tình hình diễn biến của thị trường để kịp thời có các biện pháp xử lý phù hợp nhằm bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng sốt giá, bong bóng bất động sản trên địa bàn.
Bố trí nguồn lực hợp lý để đầu tư các cơ sở hạ tầng thiết yếu trong và ngoài các dự án nhà ở xã hội, đặc biệt là tại các khu vực có đông công nhân và người lao động. Nhất thiết phải sử dụng nguồn tiền thu được từ quỹ đất 20% trong các dự án mới, dự án nhà ở thương mại có quy mô dưới 10 ha do các chủ đầu tư nộp theo quy định và hỗ trợ từ ngân sách địa phương để đầu tư phát triển nhà ở xã hội.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và yêu cầu chủ đầu tư các dự án khu đô thị, các dự án phát triển nhà ở phải triển khai xây dựng đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội.
Bố trí đủ nguồn lực, kinh phí để sớm hoàn thành việc xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản của địa phương, bảo đảm kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu của Bộ Xây dựng theo quy định tại Nghị định số 117/2015/NĐ-CP của Chính phủ để sớm đưa hệ thống cơ sở dữ liệu này vào khai thác vận hành.
Đối với các doanh nghiệp, các chủ đầu tư dự án bất động sản, ông Phấn khuyến nghị phải tuân thủ và thực hiện đúng các quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án, sử dụng đất được giao đúng mục đích, đúng quy hoạch, thi công xây dựng đảm bảo tiến độ, an toàn, chất lượng bảo vệ môi trường, nghiệm thu, bàn giao, kinh doanh, quản lý vận hành dự án đúng quy định.
Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với nhà nước, trách nhiệm với khách hàng theo đúng những cam kết đã thỏa thuận và pháp luật quy định.
Trong khi đó, ông Nam cho rằng thị trường BĐS đang tồn tại nhiều thách thức, đặc biệt là 2 điểm nghẽn ‘cực lớn” về nguồn vốn và thủ tục hành chính.
Về nguồn vốn, từ năm 2017 Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hạn chế tín dụng vào thị trường BĐS. Năm 2018, mức tăng trưởng tín dụng tối đa NHNN giao cho các NHTM 14%, thấp hơn nhiều so với các năm trước khoảng 17-18% và đến tháng 6/2018, nhiều NH đã dần cạn room tín dụng được cấp từ đầu năm.
Thông tư 19/2017 và mới đây Thông tư 16/2018 của NHNN về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36 (20/11/2014) quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh NH nước ngoài, đã quy định tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn tại các NH, chi nhánh NH nước ngoài, TCTD sẽ thực hiện giảm dần theo lộ trình.
NHNN cũng yêu cầu các NHTM kiểm soát chặt tăng trưởng tín dụng và hạn chế cho vay vào các lĩnh vực như BĐS, chứng khoán, đồng thời nâng hệ số rủi ro cho vay BĐS từ 150% lên 200%.
Ông Nam cho biết thêm chính các động thái nêu trên khiến doanh nghiệp BĐS gặp nhiều khó khăn để tiếp cận nguồn vốn vay NH do doanh nghiệp BĐS hiện nay vẫn chủ yếu dựa vào nguồn vốn vay NH, trong khi vốn huy động từ người dân do thị trường cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp chưa phát triển mạnh.
Để giảm phụ thuộc nguồn vốn NH, khoảng 2 năm gần đây, nhiều doanh nghiệp BĐS đã tìm đến các đối tác nước ngoài để cùng phát triển dự án, bên cạnh đó là huy động nguồn vốn trên thị trường chứng khoán, khách hàng.
Về thủ tục hành chính, theo ông Nam, trong thời gian qua đã có hiện tượng nhiều dự án BĐS của các nhà đầu tư trong nước không được hoặc chậm phê duyệt, cấp phép do các cán bộ “vừa làm vừa nghe ngóng” hoặc đùn đẩy lên cấp trên, làm chậm thời gian triển khai ảnh hưởng đến hiệu quả của dự án. Điều này dẫn đến việc các nhà phát triển chạy về các tỉnh lẻ, nơi có nhiều chính sách hấp dẫn nhà đầu tư hoặc nhiều chủ đầu tư tay ngang, không đủ tiềm lực tài chính phải bán dự án.
“Đây sẽ là cơ hội đối với các nhà đầu tư nước ngoài chuyên nghiệp với tiềm lực tài chính vững vàng. Trong năm 2019, nguồn cung BĐS trên thị trường có thể chưa ảnh hưởng nhiều vì các doanh nghiệp vẫn còn hàng để bán. Tuy nhiên, trong tương lai nếu vướng mắc này không được tháo gỡ, thị trường sẽ thiếu nguồn cung nghiêm trọng”, ông Nam nhận định thêm.
Theo Trí thức trẻ