Hà Nội sắp phê duyệt quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng

Chậm nhất nửa đầu tháng 1/2022, Hà Nội sẽ đủ cơ sở pháp lý để phê duyệt Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng và Quy hoạch phân khu đô thị sông Đuống.

Sẽ phê duyệt muộn nhất nửa đầu tháng 1/2022

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, trong tổng số 35 đồ án quy hoạch phân khu đô thị, đến nay thành phố đã phê duyệt 33 đồ án, hiện còn 2 đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng (R1-5) và Quy hoạch phân khu đô thị sông Đuống (R6) đang trong quá trình xây dựng.

Đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng là vô cùng cấp thiết bởi đây là mong mỏi của nhân dân, hiện thực giấc mơ về một thành phố trong sông.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, tháng 7-2021, thành phố đã nhận được ý kiến thống nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về triển khai quy hoạch phòng, chống lũ. Đến tháng 10-2021, UBND thành phố đã gửi hồ sơ xin ý kiến của Bộ Xây dựng theo quy định.

Theo đó, dự kiến trong tháng 12-2021, Bộ Xây dựng sẽ có thỏa thuận thống nhất chính thức.

“Sớm nhất cuối tháng 12-2021, chậm nhất nửa đầu tháng 1-2022, thành phố sẽ đủ cơ sở pháp lý để phê duyệt Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng và Quy hoạch phân khu đô thị sông Đuống, hoàn thành phủ kín 100% quy hoạch phân khu đô thị trên địa bàn Hà Nội” – Phó chủ tịch Dương Đức Tuấn chia sẻ.

Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, chiều 10/3/2021, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội tổ chức cho ý kiến về chủ trương hoàn thiện đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5.000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở). Tại Hội nghị, Thành ủy Hà Nội cho biết, dự kiến, sau khi thống nhất với các bộ liên quan, theo lộ trình, TP.Hà Nội có thể phê duyệt, ban hành quy hoạch này vào tháng 6. Tuy nhiên, đồ án tiếp tục chậm tiến độ do phần thoát lũ.

Đến giữa tháng 7, Bộ NNPTNT đã có văn bản gửi TP Hà Nội cho ý kiến về Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5.000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở). Theo đó, Bộ NNPTNT không tán thành ở một số điểm: Phương án đề xuất xây dựng 2 tuyến đường ven sông, di dời các khu dân cư, phương án thoát lũ.

Bộ NN&PTNT đề nghị Hà Nội xây dựng quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đảm bảo thực hiện theo Quy hoạch 257/QĐ-TTG Quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình.

Ngày 27/10, UBND TP Hà Nội có công văn gửi đến các Sở ngành đề nghị nghiên cứu, xem xét nội dung đề xuất của Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp liên quan đến Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng.

5 vấn đề cần sớm được giải quyết

Trước đó, tại diễn đàn Bất động sản “Hấp lực mới từ chuỗi đô thị ven sông Hồng” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức, các chuyên gia cũng cho rằng, Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng là vô cùng cấp thiết, không thể chậm trễ, bởi đây là mong mỏi của nhân dân, hiện thực giấc mơ về một thành phố trong sông.

Trên cương vị là đơn vị được giao thực hiện đồ án, bà Nguyễn Lan Hương – Phó Giám đốc Trung tâm Quy hoạch Kiến trúc, Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội chia sẻ, giải pháp quy hoạch Quy hoạch phân khu được thiết kế để đảm bảo toàn diện các yêu cầu về an toàn phòng, chống lũ, cải tạo chỉnh trang và tái thiết đô thị, ổn định và nâng cao đời sống cho dân cư hai bên sông.

Xây dựng các công viên cảnh quan, công viên văn hóa, công viên sinh thái phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi, vui chơi giải trí, cắm trại dã ngoại của người dân, là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, lễ hội lớn của Thủ đô. Tạo trục không gian văn hóa, cảnh quan sinh thái Hồ Tây – Cổ Loa.

Đồng quan điểm, các chuyên gia cũng nhận định, Quy hoạch phân khu sẽ khai thác, sử dụng hiệu quả bãi sông, tạo quỹ đất phát triển mới để xây dựng các khu nhà ở phục vụ tái định cư, khu nhà ở thương mại, khu nhà ở sinh thái nghỉ dưỡng chất lượng cao. Phát huy giá trị cảnh quan của trục không gian sông Hồng, hướng đô thị về phía dòng sông.

Để đồ án có thể được thông qua, một số vấn đề cần sớm được giải quyết gồm:

Thứ nhất, cụ thể hóa phương án thoát lũ. Với mỗi phương án quy hoạch phải có phương án thoát lũ, giải pháp về công trình đi kèm. Phải làm rõ từng vị trí khi sử dụng đất khu vực ngoài bãi và giải trình cụ thể cho từng vị trí.

Thứ hai, cần xây dựng kịch bản thích ứng với dòng chảy sông Hồng trong điều kiện biến đổi khí hậu đang diễn ra phức tạp trên phạm vi toàn cầu, và biến động bất thường từ phía thượng nguồn Trung Quốc. Đảm bảo an sinh cho số lượng lớn cư dân đang cư ngụ nơi đây, đảm bảo an sinh xã hội.

Thứ ba, cần có các nhà đầu tư phù hợp, có tầm tham gia; thu hút được nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước để tham gia phát triển dự án.

Thứ tư, đảm bảo mục tiêu hiện đại, kết nối giữa văn hiến, văn minh, và phát triển xanh.

Thứ năm, TP Hà Nội cần yêu cầu UBND các quận, huyện tiếp tục tăng cường công tác quản lý đất đai, quản lý đô thị, trật tự xây dựng, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lợi dụng quy hoạch có các hành vi vi phạm để trục lợi chính sách về đất đai, xây dựng các công trình trái phép, gây mất ổn định an ninh trật tự trên địa bàn.

Compare listings

So sánh