Giá nhà thương mại tiếp tục tăng nhưng không đột biến

Dự báo giá nhà thương mại trong năm nay vẫn tăng nhưng không đột biến, chủ yếu hướng tới người mua ở thật.

Quay lại thời điểm này cách đây một năm, thị trường bất động sản xảy ra hiện tượng tăng giá đột biến, thậm chí “sốt ảo” tại một số địa phương như Bắc Ninh, Bắc Giang, Thanh Hóa, Đồng Nai. Năm nay, cùng với các biện pháp kiểm soát của các cơ quan chức năng, thị trường đã ổn định hơn. Mặt bằng giá ở tất cả các phân khúc nhà ở đô thị được dự báo vẫn sẽ tăng nhưng không đột biến.

Nếu như năm 2020, tỷ trọng nhà biệt thự và liền kề trong rổ các sản phẩm bất động sản bán được chỉ chiếm 7%, năm 2021 tỷ lệ này là 14%, cho thấy đây là phân khúc nhận được nhiều sự quan tâm của thị trường. Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp diễn trong năm nay.

Với chung cư, theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, 80% căn hộ mới đều là hàng đã chào bán từ các năm trước. Nguồn cung ít, đẩy giá bán tăng cao. Dự báo mức giá trong năm nay vẫn sẽ tăng nhưng không đột biến, chủ yếu hướng tới người mua ở thật.

“Việc tăng giá cũng sẽ rất thận trọng. Giá sẽ ở ngưỡng hợp lý, biệt thự đâu đó tăng từ 6-7%, trong khi đó nhà liền kề và shophouse có mức tăng cao hơn”, bà Đỗ Thị Thu Hằng – Giám đốc cấp cao Bộ phận Tư vấn và nghiên cứu Savills Hà Nội nhận định.

Đáng chú ý, khi quỹ đất ngày càng khan hiếm, thị trường năm 2022 sẽ chứng kiến sự mở rộng ra khu vực ven đô, các dự án đã hoàn thiện cơ bản sẽ tiếp tục thu hút sự quan tâm của người mua.

Bà Nguyễn Hoài An – Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn phát triển, CBRE Việt Nam cho biết: “Bất động sản đã hoàn thiện, hoạt động ổn định vẫn có tiềm năng để khai thác dòng tiền cho thuê tại các khu vực trung tâm thành phố như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và có những cơ hội tăng trưởng giá cho bất động sản nằm vùng ven, thậm chí nằm ở một số tỉnh lân cận thành phố lớn do tốc độ đô thị hóa vẫn đang trong thời kỳ diễn ra rất mạnh mẽ”.

Để ổn định giá trên thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho rằng cần kiểm soát chặt về tín dụng, điều chỉnh lại cơ cấu các sản phẩm bất động sản trong các dự án, trong đó giảm phân khúc nhà ở cao cấp.

Theo các chuyên gia, việc tạo sóng, thổi giá, gây sốt ảo làm nhiễu loạn thị trường phần lớn là do các môi giới không chuyên nghiệp, hoạt động tự do. Do đó, cần phải có giải pháp cụ thể để quản lý hoạt động môi giới, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi lợi dụng đấu giá để gây nhiễu loạn thị trường, trục lợi.

Compare listings

Compare