Cơn sốt đất điên đảo đã được kiểm soát

Cơn sốt đất điên đảo đã được kiểm soát
 
 

Nhiều ý kiến cho rằng, khi cơn sốt đất có dấu hiệu lan rộng khắp cả nước thì ngay lập tức, động thái của các cơ quan, ban ngành, hiệp hội… là cùng nhau tìm cách để “dập” cơn sốt đất.

Có rất nhiều biện pháp khác nhau được đưa ra. Trong đó, “dập” nhanh là các văn cảnh báo, chỉ đạo khẩn từ các địa phương có sốt đất ảo. Sau đó, là hàng loạt các ý kiến đề xuất, kiến nghị để cơn sốt đất khó tái diễn lại, hoặc ít ra là tránh những cơn sốt “bất thình lình”. Cùng với dịch Covid-19 lần 4 diễn biến phức tạp, theo các chuyên gia trong ngành, từ giờ đến cuối năm, thị trường sẽ rất khó để có đợt sốt đất xuất hiện.

Mới đây, Bộ Xây dựng thông báo, cơn sốt đất nền tại nhiều khu vực đã được kiểm soát. Tình trạng giá đất tăng nóng cục bộ tại một số địa phương chỉ diễn ra trong thời gian ngắn rồi lắng xuống sau khi chính quyền địa phương kịp thời đưa ra các chỉ đạo, thông báo công khai cũng như cảnh báo tới các nhà đầu tư, người dân về quy hoạch. Cùng với thông báo này thì Bộ Xây dựng cũng chỉ đạo các các bộ, ngành, chính quyền địa phương cần có sự theo dõi kiểm soát sát sao để tránh tình trạng “sốt” đất nền lan rộng, dẫn đến mất kiểm soát, trở thành “bong bóng” BĐS.

Trước khi cơn sốt đất nền có dấu “hạ nhiệt” trên cả nước nhiều Bộ đã cùng ngồi lại với nhau để tìm cách “trị” sốt đất. Trong đó, Bộ xây dựng và Bộ Tài nguyên & Môi trường đã đồng loạt yêu cầu các tỉnh, thành tăng cường rà soát, chấn chỉnh công tác quản lý Nhà nước về giá đất. Ngày 30/3, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chấn chỉnh cơn sốt đất. 

Cụ thể, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã giao Tổng cục Quản lý đất đai kiểm tra 26 tỉnh việc thực hiện quy hoạch, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Riêng tại Hà Nội, Tp.HCM, Tổng cục Quản lý đất đai sẽ kiểm tra việc đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất; quản lý sử dụng đất tại một số dự án, công trình không hoặc chậm đưa đất vào sử dụng…

Cơn sốt đất điên đảo đã được kiểm soát - Ảnh 1.

Cùng với đó, Bộ Xây dựng cũng đã yêu cầu các địa phương kiểm soát việc tăng giá đất nhằm đảm bảo phù hợp điều kiện thực tế phát triển của địa phương. Ngoài ra, các địa phương sẽ phải công khai thông tin quy hoạch, tiến độ dự án phát triển cơ sở hạ tầng, bất động sản, đặc biệt là các dự án lớn và việc sáp nhập, thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính…

Cùng với các Bộ thì các Hội, Hiệp hội, ban ngành liên quan cũng cùng lúc vào cuộc tìm cách để “dập” cơn sốt đất có dấu hiệu lan nhanh. Về phía Hiệp hội BĐS Tp.HCM (HoREA), biện pháp đưa ra là đánh thuế BĐS sẽ hạn chế được đầu cơ đất. Bởi, đầu cơ chính là nguyên nhân khiến sốt đất.

Theo đại diện Hiệp hội, kể từ năm 2017, thị trường BĐS lặp đi lặp lại nhiều đợt sốt đất, nhất là cơn sốt đất xảy ra liên tiếp trên diện rộng trong đầu năm 2021, gây ra nhiều hệ quả tiêu cực, làm mất cơ hội tạo lập nhà ở của đông đảo người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị, công nhân lao động và người nhập cư, ảnh hưởng đến an sinh và trật tự xã hội.

Mà theo đơn vị này, thủ phạm chính của các đợt sốt đất, sốt giá nhà, sốt giá đất nền là giới “đầu nậu, cò đất, doanh nghiệp bất lương” thực hiện các thủ đoạn tung tin đồn thổi, làm giá – thổi giá, lợi dụng “tâm lý đám đông – hám lợi”, cài “chim mồi” giao dịch mua bán giả tạo và thừa cơ hội “đục nước béo cò”, trục lợi bất chính và trong một số trường hợp đã có sự móc nối, tiếp tay, “chống lưng” của cán bộ cơ sở.

Trước tình trạng này, HoREA đề xuất đánh thuế thu nhập với thuế suất rất cao đối với hành vi bán, chuyển nhượng lại nhà, đất ngay sau khi tạo lập, để triệt tiêu ý chí “đầu cơ” của nhà đầu tư “lướt sóng”. Phương án này khiến người mua không còn có thể đạt được mục tiêu lợi nhuận như kỳ vọng, trong trường hợp thị trường bất động sản có dấu hiệu bị đầu cơ, sốt nóng “bong bóng”. 

Đồng thời, đơn vị này đề xuất xem xét, quy định mức thuế suất rất cao nếu bán, chuyển nhượng lại nhà, đất trong năm đầu tiên và giữ mức thuế suất cao trong năm thứ hai, thứ ba. Các trường hợp bán, chuyển nhượng nhà, đất sau khi tạo lập được 03 năm, hoặc chứng minh được nhu cầu bán, chuyển nhượng nhà, đất là chính đáng, thì áp dụng thuế suất bình thường. Như vậy, sắc thuế này sẽ không ảnh hưởng đến người mua nhà để ở, có nhu cầu tạo lập nhà ở thực.

Còn Hội môi giới BĐS Việt Nam cũng liên tục có những đề xuất, kiến nghị để cơn sốt đất ảo không còn hành hoành. Đơn vị này kiến nghị chính quyền các địa phương phải cần tiếp tục vào cuộc quyết liệt để kiểm soát mọi hoạt động sử dụng đất đai, thực hiện các dự án đầu tư, giao dịch đất đai,… đảm bảo thực hiện theo đúng quy định pháp luật. Cần gắn trách nhiệm của lãnh đạo địa phương với tình trạng mua bán đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp, đất ở trái quy định của pháp luật để dẫn đến hiện tượng sốt đất ảo. Đồng thời, quản lý các đối tượng tham gia chuỗi rao, chào bán, tổ chức giao dịch trên địa bàn.

Bên cạnh đó, chính quyền cần cung cấp đầy đủ thông tin về chủ trương phát triển kinh tế, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn; Kịp thời phát hiện và xử lý hoạt động tung tin thất thiệt, gây ảnh hưởng đến thị trường, đặc biệt là những tin tức tạo dựng làm sốt đất, bất ổn ở địa phương. 

Nhà nước cần thiết phải điều chỉnh pháp luật theo hướng số hóa quy hoạch, sản phẩm BĐS người dân có thể thuận tiện tra cứu thông tin. Đồng thời, quản lý Sàn giao dịch và môi giới BĐS được chặt chẽ, hiệu quả hơn. Tăng cường tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, đẩy mạnh phê duyệt phát triển dự án tạo nguồn cung cho thị trường.

Bên cạnh các hiệp hội thì các chuyên gia trong ngành cũng liên tục đề xuất các giải pháp để thị trường BĐS phát triển lành mạnh thay vì các cơn sốt đất ảo diễn ra.

Cùng quan điểm với Hiệp hội BĐS Tp.HCM, bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Nghiên cứu & Tư vấn, Savills Hà Nội cho rằng, siết tín dụng là một biện pháp kiểm soát tình trạng đầu cơ lướt sóng. Theo vị chuyên gia này, các khu vực có quy hoạch hoặc cơ sở hạ tầng đang trong quá trình hoàn thiện, thường là cơ sở để giá đất tăng.

Sự tăng giá này chủ yếu là đầu cơ thay vì dựa trên nhu cầu có thực. Việc mua đi bán lại không đem lại kết quả cuối cùng, hoạt động mua đi bán lại diễn ra lúc chờ tăng giá như vậy sẽ không phản ánh được nhu cầu thực chất của thị trường. Theo đó, việc siết tín dụng có thể được xem là một biện pháp để kiểm soát tình trạng đầu cơ lướt sóng. Tuy nhiên, khi nền kinh tế của Việt Nam đang đạt tăng trưởng dương thì các biện pháp đưa ra sẽ cần được xem xét cẩn thận bởi khi được áp dụng trên diện rộng, chúng chắc chắn tạo ra hiệu ứng với độ trễ nhất định.

Đồng thời, thị trường Việt Nam đang tồn tại vấn đề liên quan đến các cá nhân môi giới BĐS không có bằng cấp và chứng chỉ hợp lệ, với việc họ tự ý đẩy giá lên, làm ảnh hưởng đến giá đất thật sự của thị trường. Hơn nữa, Việt Nam vẫn chưa có cơ quan xác định để lưu trữ các thông tin thiết thực như các giao dịch trên thị trường. Hiện, giá mua bán tuy vẫn được ghi nhận nhưng những con số này không thực sự phản ánh giá giao dịch thực giữa người mua và người bán.

Trong khi đó, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills cho rằng, cần số hóa giấy tờ để kiểm soát việc đẩy giá đất. Trên thực tế, thị trường BĐS Việt Nam hiện vẫn phụ thuộc khá nhiều vào các loại giấy tờ. Vì vậy, chúng ta có thể nghĩ đến hoạt động chuyển đổi số, tức là số hóa các giấy tờ đó vào một hệ thống quản lý chung mang tính quốc gia và việc này đòi hỏi tầm nhìn dài hạn. Việc có được một hệ thống dữ liệu ở tầm quốc gia sẽ mang lại nhiều lợi ích, trong đó có việc kiểm soát các môi giới cố tình tung tin đồn và đẩy giá đất lên cao.

 

Compare listings

So sánh