Làn sóng Covid-19 lần thứ tư đang chưa có dấu hiệu dừng lại đã mang lại rất nhiều thách thức cho phân khúc khách sạn nghỉ dưỡng tại Việt Nam.
Thị trường khách sạn tại Việt Nam cũng giống như tất cả các thị trường trên toàn cầu, đều chịu những tổn thất nặng nề đến hoạt động kinh doanh trong thời gian qua. Cùng với sự hạn chế tối đa việc di chuyển bằng đường hàng không và việc đóng cửa biên giới, nguồn cầu từ khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong các tháng vừa qua thực sự bằng không. Trước thực trạng đó, thị trường đã chứng kiến hàng trăm khách sạn lớn nhỏ được rao bán.
Đưa ra những nhận định về xu hướng phát triển của BĐS nghỉ dưỡng, ông Troy Griffiths, Phó TGĐ Savills Việt Nam cho rằng, trong thời gian tới đây, xu hướng mua lại các khách sạn nghỉ dưỡng từ nhà đầu tư nước ngoài thâm nhập vào phân khúc khách sạn của Việt Nam sẽ gia tăng. Tuy nhiên các khách sạn lớn thuộc quyền sở hữu của các chủ đầu tư có tiềm lực tài chính vững mạnh, cùng với sự quản lý của các đơn vị quốc tế vẫn sẽ duy trì hoạt động kinh doanh ổn định mà không áp dụng các phương án giảm giá sâu. Còn đối với những khách sạn quy mô nhỏ vốn có số lượng tương đối áp đảo tại thị trường Việt Nam, các chủ sở hữu và nhà điều hành phụ thuộc rất lớn vào nguồn vốn lưu động thông qua doanh thu của khách sạn. Chính vì vậy, đối tượng này đang gặp không ít khó khăn trong giai đoạn đại dịch, từ đó sẽ phải tìm kiếm cho mình những lối thoát và việc rao bán lại ở nhóm này sẽ phổ biến hơn.
Chuyên gia của Savills Việt Nam nhìn nhận, du lịch khách sạn là một ngành kinh tế dịch vụ có ảnh hưởng sâu rộng và mang lại nhiều lợi ích kinh tế sâu rộng cho rất nhiều ngành nghề khác trong xã hội. Ở một số nền kinh tế tập trung khai thác đối tượng khách hàng chủ lực là khách hàng nước ngoài như Thái Lan, Singapore và Philippines thì đóng góp vào GDP từ du lịch cũng rất cao. Ở những nước này, các ngành liên quan như bán hàng miễn thuế, thời trang, khách sạn – nhà hàng – ăn uống (HORECA)… cũng vì thế mà chịu nhiều thiệt hại hơn ở Việt Nam.
Hoạt đồng của ngành khách sạn nghỉ dưỡng phụ thuộc vào việc kiểm soát đại dịch để tái mở cửa trở lại đón khách du lịch nội địa và quốc tế.
Đánh giá về thị trường du lịch, nghỉ dưỡng của Việt Nam, ông Troy Griffiths cho biết, trước thời điểm xảy ra đại dịch và giữa các đợt sóng COVID, hoạt động kinh doanh của ngành du lịch trong nước luôn nằm trong trạng thái cao điểm. Các khu nghỉ dưỡng và khách sạn mới được khai trương hàng loạt, các hãng hàng không bùng nổ và bất động sản khách sạn nghỉ dưỡng là loại hình tài sản được giới đầu tư yêu thích. Một trong những chìa khoá thành công của thị trường khách sạn du lịch tại Việt Nam là việc tập trung rất tốt tới nhóm đối tượng khách du lịch trong nước. Trong khi đó, các địa điểm du lịch khác như Thái Lan vốn dĩ luôn dựa nhiều vào khách du lịch quốc tế, nên sẽ chịu nhiều thiệt hại hơn do phụ thuộc nhiều vào khách quốc tế do những tác động của đại dịch Covid-19 gây ra.
Việt Nam có vị trí thuận lợi trong việc kết nối các nước trong khu vực, rất hấp dẫn đối với các thị trường trung chuyển chính như Trung Quốc và Hàn Quốc. Bây giờ là lúc các nhà khai thác dịch vụ khách sạn nghỉ dưỡng tự làm mới mình, đào tạo trau dồi nhân lực và sẵn sàng phục hồi trở lại ngay sau khi đại dịch kết thúc. Tiềm lực tài chính tốt của nhiều người dân Việt Nam sẽ tiếp tục tạo lực đẩy cho du lịch trong nước, cũng như những kỳ vọng về sự tăng trưởng mạnh mẽ từ khách du lịch quốc tế.
“Điều quan trọng đối với các chủ doanh nghiệp đầu tư và kinh doanh bất động sản khách sạn nghỉ dưỡng, để có thể tồn tại và thích ứng trong bối cảnh mới là xác định được rằng đại dịch rồi sẽ kết thúc. Chắc chắn trị thường sẽ phục hồi một cách mạnh mẽ, để kéo phân khúc bất động sản khách sạn nghỉ dưỡng quay trở lại nơi nó vốn đã từng đứng vững trước đây. Sau thời gian dịch bệnh, người dân nói chung với một lưỡng dự trữ tài chính sẽ luôn sẵn sàng chi tiêu mua sắm, và đặc biệt là đi được du lịch, bất kỳ nơi đâu, từ đó khiến cho ngành kinh tế này chắc chắn sẽ bùng nổ trở lại Giống như tất cả các thị trường bất động khách sạn nghỉ dưỡng khác trên thế giới, câu hỏi bây giờ chỉ là chúng ta cần phải chờ đợi bao lâu nữa khi đại dịch kết thúc”, ông Troy Griffiths nhấn mạnh.