Do được hưởng nhiều ưu đãi, người mua nhà ở xã hội chỉ được mua, bán, sau 5 năm sử dụng. Mọi giao dịch trong thời gian này là vô hiệu.
Trong khi giá căn hộ nhà chung cư tại các thành phố liên tục tăng chóng mặt, thì nhà ở xã hội được quan tâm hơn bao giờ hết. Bởi giá thành của chúng chỉ bằng một nửa so với nhà ở thương mại.
Ví dụ tại Hà Nội, giá chung cư thuộc phân khúc tầm trung hiện khoảng 35-50 triệu đồng/m2, nhưng nhà ở xã hội lại chỉ có giá bán từ 14-17 triệu đồng/m2 đối với trường hợp mở bán mới, và khoảng 25 triệu đồng/m2 đối với trường hợp rao bán lại.
Chính sự chênh lệch quá lớn này đã khiến nhà ở xã hội, dù bị cấm giao dịch mua bán trong vòng 5 năm đầu tiên, vẫn trở thành “mặt hàng hot”” trên thị trường. Ngoài ra, theo kết luận của các cơ quan chức năng, gần đây, nhiều vi phạm về nhà ở xã hội đã xuất hiện.
Như tại nhà ở xã hội Ecohome 3 tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội mới bàn giao nhà hơn 1 năm. Tuy nhiên, những lời chào bán, cho thuê với giá từ 4-6 triệu đồng/tháng, xuất hiện tràn lan trên các trang mua bán nhà đất. Một số trường hợp còn ngang nhiên rao bán.
Được biết, giá bán ban đầu của dự án này chỉ từ 14-15 triệu đồng/m2. Nhưng hiện nay đang được rao bán lại khoảng 25 triệu đồng – có nghĩa là chủ căn hộ sẽ lãi 10 triệu đồng/m2. Một căn hộ hơn 60m2, có thể thu lời lên tới 600 triệu đồng.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, các cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý một số trường hợp mua, thuê nhà ở xã hội sử dụng không đúng mục đích như: Cải tạo đập thông 2 căn hộ để mở rộng diện tích, cho ở nhờ, cho thuê lại hoặc không sử dụng. Báo cáo tại một số thời điểm trước từ các quận huyện cho thấy, một số dự án có hàng trăm căn hộ không có người sử dụng, dù đã được bán.
Vào thời điểm nhà ở xã hội mở bán, nhiều người chen chúc nhau để nộp hồ sơ xin mua, với tỷ lệ chọi cao, có trường hợp lên tới 1 chọi 7, 1 chọi 10. Tức là 7-10 người nộp hồ sơ, mới có 1 người được mua. Nhưng sau đó, lại có nhiều trường hợp mua xong không ở. Điều này gây không ít bức xúc, nhiều người cho rằng đố là cảnh “người ăn không hết, kẻ lần chẳng ra”.
Tình trạng này cũng đang diễn ra tại một số tỉnh, thành khác. Trong tuần qua, Bộ Xây dựng đã chính thức có văn bản yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát về quản lý, sử dụng nhà ở xã hội, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan khi để xảy ra sai phạm, không xử lý dứt điểm.
Siết chặt quản lý?
Thực tế, ngay từ khâu xét duyệt, mở bán, rất nhiều dự án nhà ở xã hội có vị trí đẹp, đã vướng phải những lùm xùm như rao bán suất mua, với tiền chênh 200-400 triệu đồng, chỉ cần trả thêm tiền là có được suất mua. Và sau khi đi vào bàn giao, sử dụng, việc quản lý loại hình nhà ở này lại xuất hiện các hành vi tiêu cực.
Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về phát triển loại hình nhà ở xã hội, với 25 dự án đã được triển khai trong 5 năm qua. Rất nhiều người thu nhập thấp đã có nhà ở Thủ đô nhờ chính sách này.
Song những hành vi trục lợi nhà ở xã hội vẫn đang diễn ra tràn lan. Hiện nay, việc xử lý rất khó khăn, vì chủ đầu tư đã bàn giao nhà và quyền sử dụng căn hộ lúc này thuộc về người mua. Trước thực trạng này, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết năm 2022 sẽ đẩy mạnh việc kiểm tra, xử lý các hành vi trục lợi.
“Sau khi các hộ vào ở rồi, thông qua việc kiểm tra đột xuất định kỳ, các quận huyện phải có trách nhiệm, theo dõi cư trú, công an khu vực tại các địa bàn cư trú kiểm tra thường xuyên…”, ông Bùi Tiến Thành – Trưởng phòng Phát triển đô thị, Sở Xây dựng Hà Nội đề xuất.
Theo các luật sư, quy định hiện nay mới chỉ xử phạt, chứ không có chế tài thu hồi nhà của các trường hợp vi phạm như rao bán, hay sử dụng không đúng mục đích căn hộ nhà ở xã hội.
Luật sư Nguyễn Đức Năng – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng phải siết chặt các hồ sơ được mua nhà ở xã hội phải để đảm bảo những người được sử dụng nhà ở xã hội thuộc đúng đối tượng.
Những bất cập từ khâu đầu vào, đăng ký, xét duyệt mua nhà ở xã hội cũng diễn ra rầm rộ thời gian qua. Một số dự án chưa xong các thủ tục pháp lý, nhưng đã bị rao các bán suất mua, sàn giao dịch nhận đặt cọc trước. Các doanh nghiệp triển khai dự án đã lên tiếng cảnh báo người mua nhà.
“Công nghệ thông tin hiện nay rất hiện đại, người mua nhà ở xã hội cần nghiên cứu kỹ. Thường xuyên theo dõi các thông tin của Sở xây dựng, và mua đúng từ chủ đầu tư”, ông Nguyễn Văn Luyến – Tổng Công ty Đầu tư phát triển Hạ tầng đô thị UDIC cho biết.
Đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cũng cho biết, Sở đã xây dựng phần mềm cơ sở dữ liệu quản lý các đối tượng đã được hưởng chính sách nhà ở xã hội. Khi chủ đầu tư báo cáo danh sách dự kiến xét duyệt được mua, thuê nhà ở xã hội, Sở sẽ kiểm tra nhằm loại trừ trường hợp một người được hỗ trợ nhiều lần và trường hợp không đúng đối tượng.
Phát triển nhà ở xã hội là chủ trương nhân văn, nhằm đáp ứng nguyện vọng cải thiện chỗ ở của những người thu nhập thấp, có nhu cầu nhà ở. Để chủ trương này đến đúng những đối tượng, việc quản lý từ khâu xét duyệt – mua – rồi vào ở, tại các dự án nhà ở xã hội đang là vấn đề nóng đặt ra lúc này. Đặc biệt trong bối cảnh nguồn cung trên thị trường bất động sản khan hiếm, các căn hộ vừa túi tiền, chỉ từ 1-2 tỷ đồng /1 căn hộ đang là niềm ước ao của rất nhiều người dân ở thành phố.