Các chính sách vĩ mô, tài chính được điều chỉnh linh hoạt, kiểm soát tín dụng tốt, hạ tầng giao thông phát triển… sẽ là những yếu tố thúc đẩy và tạo “lực đỡ” cho thị trường bất động sản phát triển bền vững.
“Lực đỡ” cho thị trường bất động sản
Theo đánh giá của PGS. TS. Trần Kim Chung, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), dù Việt Nam đang phải đối mặt với dịch bệnh căng thẳng nhưng vẫn có nhiều thuận lợi về mọi mặt, đặc biệt là việc thực hiện chính sách thay đổi toàn diện nền kinh tế nói chung và lĩnh vực bất động sản nói riêng.
Ông Chung cho biết thêm, thị trường bất động sản năm 2022 sẽ rất thuận lợi bởi năm 2021 là năm của kế hoạch với hàng loạt dự án hạ tầng có tính chất thúc đẩy lớn cho thị trường này. Khi mà chính sách đang đang dần được gỡ bỏ thì sức chịu đựng và khả năng phục hồi nền kinh tế trong bối cảnh dịch COVID-19, dòng vốn FDI và lãi suất giảm sẽ là động lực quan trọng để đưa bất động sản chuyển động nhanh, trở thành điểm sáng của năm 2022.
Ông Nguyễn Đức Lập – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo bất động sản nhận xét, thị trường bất động sản những năm gần đây có nhiều sự thay đổi và điều chỉnh ở chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, kéo theo sự thay đổi về quy hoạch kinh tế – xã hội và quy hoạch đô thị.
Thời gian qua, đã có một số yếu tố làm “lực đỡ” cho thị trường bất động sản. Cụ thể là lãi suất cho vay trên thị trường còn thấp. Dòng tiền trong xã hội không được đưa vào các hoạt động sản xuất kinh doanh đã dịch chuyển vào các kênh đầu tư trong đó có bất động sản. Có thể thấy, xu hướng này vẫn còn khả năng tiếp diễn cho đến cuối năm 2022.
Trước sự bùng nổ đầu tư công và đầu tư hạ tầng giao thông trên khắp cả nước đã làm gia tăng giá trị bất động sản ở nhiều nơi. Theo ông Lập, đây là lý do cơ bản giúp thị trường nhiều nơi ít có biến động về giá giao dịch mua bán hoặc mức giá suy giảm không nhiều khi vừa trải qua những đợt “sốt nóng” khi giá vẫn neo ở mức cao, mặc dù không có giao dịch. Hiện tại, nhiều địa phương đang điều chỉnh và hoàn thiện các quy hoạch tổng thể đến năm 2030 và tầm nhìn năm 2045. Xu hướng đô thị hóa và quy hoạch mở rộng theo chiều ngang vẫn được đẩy mạnh trong giai đoạn tới.
Ông Nguyễn Quốc Anh – Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn chỉ ra rằng, thị trường bất động sản Việt Nam có lượng giao dịch và tốc độ phát triển rất mạnh, đặc biệt là giai đoạn hiện tại. Với sự bùng nổ của thị trường bất động sản, tiềm năng của thị trường Việt Nam đang được các tổ chức quốc tế và đơn vị đầu tư trên thế giới quan tâm.
Ông Quốc Anh cũng cho rằng, Chính phủ đã có các động thái quyết liệt hơn để đẩy mạnh đầu tư công, đặc biệt là đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nhằm thúc đẩy nền kinh tế hồi phục. Việc thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng được đánh giá là có tác động trực tiếp tới thị trường bất động sản và sẽ trở thành động lực tăng trưởng chính của thị trường bất động sản trong các năm tới.
Bên cạnh đó, một số chính sách khác như việc nới lỏng tín dụng cho bất động sản, đẩy nhanh thủ tục pháp lý của các dự án và sự phát triển của nền kinh tế, kinh tế vĩ mô cần duy trì tốc độ như hiện tại hoặc cao hơn chính là những yếu tố thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển bền vững trong tương lai.
Dự báo thị trường bất động sản năm 2022
Thực tế, thị trường bất động sản Việt Nam luôn thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ngoài các vấn đề về nguồn cung và sức cầu, giá cả, một số các dự báo về xu hướng chung của thị trường như khẩu vị mua bất động sản, sản phẩm, vị trí, hình thức đầu tư… cũng đang nhận được nhiều sự chú ý.
Theo batdongsan.com.vn, với quy mô dân số khoảng 100 triệu dân, độ tuổi từ 25 – 40 chiếm tỷ lệ 55% thì nhu cầu nhà ở và sức mua sắm vẫn rất lớn. Cùng đó, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam ổn định quanh ngưỡng 6,5 – 6,8% trong nhiều năm qua cùng tình hình chính trị ổn định, hạ tầng giao thông đang dần phát triển, quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ… là những điều kiện rất tốt để nhà đầu tư yên tâm chọn điểm đến.
Ngoài ra, tốc độ gia tăng diện tích đất ở và đất chuyên dụng hàng năm chỉ khoảng 1%. Chính điều này cho thấy, quỹ đất ngày càng trở nên khan hiếm và có tiềm năng tăng giá cao hơn trong tương lai.
Theo ông Nguyễn Hoàng – Giám đốc R&D DKRA Việt Nam, dòng tiền chảy vào thị trường này vẫn sẽ tích cực. Dự báo nửa đầu năm 2022, nguồn cung mới và sức mua tương đương cuối năm 2021 và có thể tăng nhẹ nhưng không quá mạnh.
Ông Hoàng dự báo thêm, nửa cuối năm 2022, thị trường sẽ sôi động hơn, nguồn cung mới và thanh khoản có thể tăng trưởng có chọn lọc. Những dự án có hạ tầng tốt, pháp lý đầy đủ, vị trí thuận lợi thì lượng tiêu thụ tích cực hơn năm trước nhưng cũng sẽ không có “sốt” bất động sản trong năm 2022. Nhưng nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp, kịch bản của thị trường bất động sản có thể rơi vào trạng thái trầm lắng như giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 9 của năm 2021. Do đó, nhà đầu tư vẫn nên giữ tâm lý thận trọng và chờ đợi quan sát thị trường.
“Trong tình hình hiện tại, dịch bệnh dù được kiểm soát nhưng vẫn còn rất phức tạp, yêu cầu chúng ta tự tin nhưng vẫn phải thận trọng. Với chỉ đạo của Chính phủ về phục hồi kinh tế sau đại dịch cùng với tiềm lực của thị trường bất động sản, kịch bản bức tranh chung thị trường trong năm 2022 cũng được dự báo với những thuận lợi và đan xen thách thức”, ông Hoàng nhấn mạnh.