Năm 2022: Vấn đề xử lý “dự án treo” còn nhiều thách thức

Việc xử lý dự án treo vẫn là vấn đề “nợ đọng” của năm 2021 và còn nhiều thách thức trong năm 2022.

Mới đây, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của ngành tài nguyên và môi trường, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ TN&MT rà soát kỹ, phân nhóm dự án tồn đọng, xử lý nghiêm các dự án vi phạm pháp luật, tránh tình trạng để hàng ngàn ha đất ở các khu đô thị để chờ hàng chục năm, lãng phí lớn…

Vẫn “dậm chân tại chỗ”

Trên thực tế, câu chuyện giải quyết dự án treo dù nói nhiều nhưng vẫn nóng. Dự án treo không chỉ ở một hay hai địa phương mà tồn tại nhiều năm qua tại hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước, đáng lưu ý phải kể đến TP. Hà Nội với 383 dự án; TP. HCM 126 dự án; tỉnh Hòa Bình 105 dự án; tỉnh Thái Nguyên 22 dự án…

Các địa phương dù quyết tâm ra tay nhưng thực tế việc xử lý dự án treo vẫn “dậm chân tại chỗ”. Đơn cử như tại Hà Nội, gần 3 năm thực hiện kiến nghị giám sát của HĐND thành phố nhưng kết quả xử lý dự án treo đạt rất thấp. Báo cáo của HĐND TP Hà Nội cũng cho thấy còn tình trạng tồn tại những dự án quy hoạch có tuổi đời từ 10 đến 20 năm vẫn nằm “đắp chiếu”.

Ở góc độ chuyên gia pháp lý, Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch Công ty TAT Law firm cho rằng, dù đã có quy định thu hồi sự án chậm sử dụng đất đai. Việc thu hồi được các dự án treo không phụ thuộc vào ý chí quyết tâm của chính quyền địa phương. Trước đó đã có 33 dự án đã được thu hồi. Dư luận đặt câu hỏi tại sao các dự án “đắp chiếu” 10-20 vẫn không thể thực hiện được trong khi tài nguyên đất đai đang dần cạn kiệt?

Bắt đầu từ pháp lý

Trong khi đó, ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, Chủ tịch HĐQT GP. Invest cũng cho rằng, nhiều trường hợp dự án bị chậm tiến độ, bị treo là do “bất đắc dĩ” và doanh nghiệp cũng chỉ là nạn nhân.

Có một nghịch lý là sự chậm trễ này không phải do doanh nghiệp thiếu năng lực, thiếu vốn, cũng không phải do chính quyền địa phương không quan tâm tạo điều kiện mà nó lại bắt nguồn từ những tồn tại, hạn chế trong Luật Đất đai hiện hành.

Theo PGS.TS Doãn Hồng Nhung – Phó Ban Pháp chế (Hiệp hội BĐS Việt Nam), bên cạnh thu hồi, trong nội dung sửa đổi Luật Đất đai năm 2013, Ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung chế tài đối với hành vi: “nếu gây thiệt hại cho người dân khi chậm triển khai quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất thì phải bồi thường cho người sử dụng đất”.

Đối với các quy hoạch và các dự án đang “bị treo”, Bộ Xây dựng cần tăng cường kiểm tra, rà soát để kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm với một hạn định rõ ràng, tránh việc chỉ đạo xong rồi để đấy.

TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm – Nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhấn mạnh, chậm thu hồi dự án bê trễ là hậu quả của sự thiếu kiểm soát và xử lý về việc sử dụng đất, thiếu thể chế quản lý tiến độ các dự án nên dẫn đến thực trạng hiện nay.

Chậm thu hồi ngày nào là mất mát, lãng phí nguồn thu của nhà nước trên tài sản ngày đó. Các địa phương cần kiên quyết không để chủ đầu tư lợi dụng kẽ hở xin điều chỉnh quy hoạch.

Compare listings

So sánh