Đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng – động lực mới của thị trường BĐS

Theo dự kiến, đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng sẽ được duyệt vào cuối năm nay. Tại tọa đàm “Hấp lực mới từ chuỗi đô thị ven sông Hồng” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức, bản đồ án này được giới chuyên gia đánh giá sẽ là động lực mới của thị trường bất động sản trong tương lai.

Hà Nội từng sốt đất với đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng

Ngày 22/3/2021, Thành ủy Hà Nội đã thống nhất về chủ trương đối với định hướng đồ án Quy hoạch phân khu sông Hồng tại Thông báo số 180-TB/TU. Hiện nay, Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội đang hoàn thiện hồ sơ để xin ý kiến Bộ Xây dựng theo quy định. Đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng từng làm dậy sóng thị trường bất động sản thời điểm đầu năm khi mới được Thành ủy Hà Nội thống nhất về chủ trương. Thời điểm này, một số địa phương nằm trong quy hoạch này như Đông Anh, Thanh Trì đã lên cơn sốt  bất động sản, giá đất liên tục nhảy múa trong thời gian ngắn.

Theo kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng – Ủy Viên Ban thường vụ, Chánh văn phòng Trung ương Hội Kiến trúc sư Việt Nam thì đồ án Quy hoạch phân khu sông Hồng là đồ án quy hoạch rất quan trọng. Đồ án được phê duyệt đồng nghĩa đây sẽ là cơ sở lập quy hoạch chi tiết, quy hoạch sử dụng đất hai bên bờ sông.  Một quy hoạch chi tiết là nền tảng cho thiết kế, cho các chính sách phát triển minh bạch, thu hút các nhà đầu tư tiềm năng trong nước cũng như quốc tế… Thị trường bất động sản Hà Nội sẽ tiếp tục có những bước tiến mới.

Đồng quan điểm, Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính – Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, Hà Nội sau 10 năm phát triển,  Hà Nội có sự mở rộng ra các trục phát triển Bắc – Nam, Đông – Tây. Diện tích Thủ đô từ 924km2 tăng lên 3.359 km2. Hạ tầng giao thông Hà Nội có sự phát triển và hoàn thiện vượt bậc với các tuyến cao tốc trọng điểm liên kết vùng miền, các cây cầu rút ngắn khoảng cách giữa nội thành với ven đô, thúc đẩy quá trình thông thương, kết nối.

Ngoài ra, để giảm tải cho nội đô, Hà Nội cũng phát triển 5 đô thị vệ tinh, trong đó đô thị công nghệ cao Hòa Lạc đang thu hút đầu tư rất lớn, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế xã hội của Hà Nội, trong đó có lĩnh vực bất động sản. Chính bởi vậy, theo kiến trúc sư Trần Ngọc Chính,  đồ án quy hoạch đô thị sông Hồng với quỹ đất lên tới 11.000 ha sẽ đóng vai trò quan trọng giải quyết về quỹ đất xây dựng nhà ở, giải quyết vấn đề nhà ở cho người dân.

Những điểm nổi bật của đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng

Cũng tại tọa đàm, ThS.KTS Nguyễn Thị Lan Hương – Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cho biết Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội đã tổ chức nghiên cứu lập Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng tỷ lệ 1/5000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở) với những nội dung cụ thể như sau.

Về vị trí, quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng thuộc địa giới hành chính của 55 phường, xã thuộc địa bàn 13 quận, huyện: Đan Phượng, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Trì, Thường Tín, Mê Linh, Đông Anh, Long Biên, Gia Lâm – Thành phố Hà Nội.

Về hiện trạng sử dụng đất, quy hoạch phân khu đô thị sông có tổng diện tích khoảng 11.000ha, diện tích sông Hồng khoảng 3.600ha (chiếm khoảng 33%); đất bãi sông khoảng 5.480ha (chiếm khoảng 50%) với đa dạng về loại hình: trồng rau màu, hoa, cây cảnh và đất trống chưa sử dụng. Phần còn lại là khu vực đã xây dựng, gồm các khu vực làng xóm có lịch sử hình thành và phát triển từ lâu như các xã Bát Tràng, Văn Khê, Tráng Việt…, các khu dân cư đô thị nằm ngoài đê như khu dân cư phường Quảng An, Tứ Liên, Yên Phụ, Phúc Xá… với diện tích khoảng 1.190ha (chiếm gần 11% tổng diên tích) gắn với các công trình hạ tầng xã hội (công cộng, trường học…), các công trình hạ tầng kỹ thuật, đất an ninh quốc phòng, cơ quan, công nghiệp (kho bãi, bến cảng…).

Về hiện trạng dân cư, phân khu đô thị sông Hồng được xác định dựa trên dân số của 31 phường thuộc 7 quận nội thành và 24 xã thuộc 6 huyện ngoại thành Hà Nội. Dân cư trong khu vực nghiên cứu khoảng 235.000 người (theo số liệu theo điều tra hiện trạng dân cư trong Quy hoạch phòng chống lũ chi tiết do Viện Quy hoạch Thủy lợi nghiên cứu năm 2017).

Về hiện trạng giao thông, đường bộ gồm tuyến đường dọc đê tả, đê hữu sông Hồng và các tuyến đường phía trong đê phục vụ đi lại của dân cư khu vực, đa số là các tuyến đường có quy mô mặt cắt ngang nhỏ, chưa đảm bảo là các tuyến đường đô thị cũng như các tuyến đường phục vụ cảnh quan khu vực. Kết nối 2 bên sông gồm 06 cầu hiện có: Thăng Long, Long Biên, Chương Dương, Thanh Trì, Vĩnh Tuy và Nhật Tân. Về giao thông đường thủy thì việc kết nối giữa hệ thống bến cảng với giao thông đường bộ chưa tốt do đường ra vào cảng nhỏ hẹp, các cảng chính nằm khá xa những tuyến giao thông đường bộ lớn.

Compare listings

So sánh