Đại gia BĐS nào đang lọt vào “tầm ngắm” các quỹ đầu tư chứng khoán?

Đại gia BĐS nào đang lọt vào "tầm ngắm" các quỹ đầu tư chứng khoán?

Nhóm cổ phiếu bất động sản đang nhận được sự quan tâm tích cực của nhà đầu tư, cũng như nhiều quỹ đầu tư, với kỳ vọng đón đầu sóng ngành trong những tháng cuối năm.

Theo các chuyên gia, doanh nghiệp BĐS khó khăn vì ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp địa ốc niêm yết báo lãi trên 10-20% khiến nhà đầu tư kỳ vọng sau dịch tốc độ tăng trưởng vẫn được duy trì,

Trên thị trường chứng khoán, bất động sản (cùng với ngân hàng) – nhóm ngành có vốn hoá lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt từ các quỹ đầu tư. Đây cũng là hai nhóm ngành đã và đang dẫn dắt thị trường và dự báo còn nhiều dư địa để tiếp tục tăng trưởng. Không khó để nhận ra các giao dịch và các khoản đầu tư lớn trong danh mục của các quỹ cũng tập trung tỷ trọng lớn ở hai nhóm ngành này.

Mới đây, nhiều công ty BĐS niêm yết trên sàn chứng khoán đều công bố lợi nhuận quý 2/2021 tăng mạnh, đạt hàng trăm đến hàng nghìn tỉ đồng so với cùng kì năm ngoái. Ngay trong thời điểm dịch bệnh bùng phát, kết quả kinh doanh này của các doanh nghiệp BĐS cho thấy cổ phiếu BĐS vẫn còn là khẩu vị được nhà đầu tư, quỹ đầu tư ưa thích.

Nhìn vào một vài thương vụ đầu tư của các quỹ đầu tư vào cổ phiếu của công ty BĐS để thấy, họ không bỏ lỡ cơ hội ở “gom” cổ phiếu BĐS.

Chẳng hạn như mới đây nhất, nhóm quỹ do Dragon Capital quản lý đã bất ngờ mua vào khoảng 10% vốn AGG của CTCP Đầu tư và Phát triển BĐS An Gia. Trước đó, nhóm này chưa sở hữu cổ phiếu nào tại AGG. Động thái tham gia vào AGG có thể xem là ở ngay giai đoạn bản lề của doanh nghiệp này, khi đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ từ doanh nghiệp bất động sản quy mô nhỏ sang quy mô tầm cỡ lớn hơn và dự báo sẽ có sự bứt phá về doanh thu, lợi nhuận.

Theo báo cáo của BSC, giai đoạn 2021-2026, dự kiến AGG sẽ triển khai 11 dự án, với tổng số lượng sản phẩm cung ứng ra thị trường là 21.488 sản phẩm, lần lượt gấp 2 lần về dự án và gấp 8,48 lần số sản phẩm, quy mô diện tích sàn thương mại gấp 8,97 lần so với giai đoạn 2015-2021. Điểm rơi lợi nhuận của AGG dự kiến từ năm 2021 đến từ 11 dự án trên, qua đó duy trì được dòng tiền, và tốc độ tăng trưởng qua các năm.

Riêng năm 2021, AGG đề ra kế hoạch sản lượng sản phẩm tiêu thụ dự kiến 3.600 căn (số cũ là 3.000), doanh số bán hàng 8.000 tỷ đồng, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ 3.600 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ 500 tỷ đồng. Chủ yếu đến từ việc bàn giao các dự án như The Sóng, Sky89, Panaroma 1&2. Đồng thời, hoàn tất công tác bán hàng trong năm đối với dự án Westgate, dự án Standard, và mở bán mới đối với dự án The Gió (BD2.8).

Hiện AGG sở hữu quỹ đất với quy mô 103 ha (cho 11 dự án trên), trong đó tỷ lệ quỹ đất tại Tp.HCM chiếm 47,5% tổng quỹ đất. Nếu so sánh về quy mô vốn, AGG chỉ ở top dưới so với các doanh nghiệp niêm yết cùng ngành khác, vốn chủ sở hữu chỉ 2.277 tỷ đồng, nhưng quỹ đất lại ở mức tương đối so với bình quân ngành.

Đại gia BĐS nào đang lọt vào tầm ngắm các quỹ đầu tư chứng khoán? - Ảnh 1.

Nhóm cổ phiếu bất động sản đang nhận được sự quan tâm tích cực của nhà đầu tư, cũng như nhiều quỹ đầu tư

Doanh nghiệp BĐS này cũng đang tích cực thực hiện M&A dự án, trong năm 2019-2020 đã đàm phán và mua xong quỹ đất The A (quận 7) quy mô 6,13 ha, dự án BC 27 (Bình Chánh) 27 ha, dư án BD2.8 (The Gió – Bình Dương) 2,8 ha và dự án D7 (quận 7) 5,43 ha. Đồng thời, đang đàm phán để lấy quỹ đất BD 45 (Bình Dương), quy mô lên đến 45 ha.

Từ kết quả kinh doanh, đến chiến lược phát triển trung và dài hạn của doanh nghiệp này có lẽ là yếu tố khiến Dragon Capital quyết định mạnh tay đầu tư vào An Gia.

Không chỉ riêng An Gia, trong top 10 cổ phiếu thuộc các nhóm quỹ do Dragon Capital quản lý, còn có 3 tên tuổi lớn ở lĩnh vực BĐS là VIC, VHM, NVL (3 ông lớn này cũng có nhiều tổ chức nước ngoài trong cơ cấu cổ đông lớn). Vài năm trước đó, danh mục đầu tư của nhóm quỹ Dragon Capital đa phần là những chủ đầu tư BĐS ở khu vực phía Nam như Khang Điền, Đất Xanh, Becamex IDC, DIC Group, Hải Phát…

Hay mới đây, quỹ của VinaCapital cũng trở thành cổ đông lớn của Đất Xanh Service. Được biết, Tập đoàn VinaCapital đã từng đầu tư vào rất nhiều công ty ngay trước thềm niêm yết, không ít trong số đó nay đã trở thành những doanh nghiệp có vốn hoá tỉ đô, hay trở thành cổ phiếu ‘quốc dân’ như: HPG, NVL, KDH, VJC, HDB… Lần này với DXS, đại diện VinaCapital cũng kỳ vọng công ty này sẽ đạt mức vốn hóa tỉ đô trong khoảng 3 – 5 năm tới. Quỹ này tỏ ra lạc quan về triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong nửa cuối năm 2021.

Cũng theo CIO của VinaCapital, với mặt bằng lãi suất thấp, dòng tiền từ nhà đầu tư có dấu hiệu chuyển dịch từ tiền gửi sang bất động sản. Do đó, quỹ này cho rằng các công ty bất động sản uy tín với quỹ đất sạch lớn ở gần trung tâm Tp.HCM, Hà Nội và các tỉnh lân cận đồng thời có khả năng thực thi dự án tốt như VHM, NVL, KDH, NLG, DXG, AGG… sẽ hưởng lợi và tăng trưởng khả quan.

VinaCapital, DXS là một trong những công ty đầu ngành với hệ thống phân phối và lực lượng nhân viên kinh doanh trên khắp cả nước, cơ sở dữ liệu khách hàng lớn, cũng như có tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận tốt trong các năm gần đây. Bên cạnh đầu tư tài chính, quỹ này mong muốn được đồng hành cùng ban lãnh đạo và hỗ trợ công ty trong việc thực hiện các chiến lược và kế hoạch kinh doanh đề ra, hướng tới mục tiêu đưa DXS trở thành doanh nghiệp được định giá trên 1 tỉ USD trong 3-5 năm tới.

“Chúng tôi cho rằng, thị trường BĐS Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục phát huy đà tăng trưởng của những năm trước. Nhiều dự án mới sẽ được mở bán để đáp ứng nhu cầu nhà ở ngày càng tăng cao do tốc độ đô thị hóa không ngừng tăng. Trong đó, thị trường nhà ở được kỳ vọng sẽ tiếp tục là phân khúc phát triển mạnh với nhiều dự án mới được mở bán, đáp ứng tốc độ đô thị hóa không ngừng tăng. Đây cũng là kênh đầu tư luôn nhận được sự quan tâm lớn từ đông đảo các nhà đầu tư có tổ chức và tư nhân”, đại diện quỹ này từng cho biết.

Tương tự, đầu tháng 6/2021, CTCP Đầu tư Nam Long (NLG) công bố dự kiến phát hành riêng lẻ 60 triệu cổ phiếu cho khoảng 9 nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Bao gồm nhiều quỹ ngoại thuộc nhóm Dragon Capital, PYN Elite Fund, KIM Vietnam Growth Equity Fund… Sau khi hoàn tất phát hành, vốn điều lệ NLG dự kiến sẽ tăng từ 2,853 tỷ đồng lên mức 3,453 tỷ đồng. Tổng số tiền thu được từ đợt chào bán sẽ được sử dụng vào việc mở rộng quỹ đất và đầu tư dự án Akari.

Liệu cổ phiếu BĐS có “tạo sóng” cuối năm, là câu hỏi được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Chia sẻ trên báo chí, ông Trần Đức Anh, Giám đốc chiến lược và vĩ mô, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam cho hay, cổ phiếu BĐS được kỳ vọng sẽ là nhóm ngành dẫn dắt thị trường trong những tháng cuối năm 2021. Tuy vậy, rủi ro từ dịch Covid-19 vẫn hiện hữu, có thể tác động đến tiến độ bàn giao sản phẩm cũng như dòng tiền của doanh nghiệp. Một yếu tố khác là xu hướng tăng của giá nguyên vật liệu đầu vào.

Theo các chuyên gia, bất động sản và tài chính – ngân hàng là hai ngành có mức vốn hóa lớn nhất, trung bình chiếm 27% và 30% tổng giá trị vốn hóa trên HOSE. Trong khi dư địa tăng trưởng của ngành ngân hàng giảm, ngành BĐS có thể đóng vai trò dẫn dắt sự vận động của thị trường chứng khoán trong những tháng cuối năm 2021, với 3 lý do chính. Một là, cuối năm thường là thời điểm ghi nhận doanh thu của các doanh nghiệp BĐS. Hai là, ngành này đang được hưởng lợi từ lãi suất thấp và chu kỳ tăng giá BĐS. Ba là, chủ trương đẩy mạnh đầu tư công trong giai đoạn cuối năm sẽ giúp nhóm cổ phiếu thượng nguồn như BĐS và vật liệu xây dựng được hưởng lợi.

Theo dự báo của các chuyên gia, nhóm cổ phiếu BĐS chưa tăng giá nhiều so với đầu năm và không gặp áp lực nguồn cung lớn. Với thực trạng nguồn cung nội đô khan hiếm, nhóm bất động sản nhà ở, đặc biệt các doanh nghiệp có dự án tại vùng ven kết nối thuận lợi vào trung tâm như VHM, NVL, DXG, DIG, NLG, AGG… được kỳ vọng tăng trưởng tốt trong nửa cuối năm.

Nhìn chung, các chuyên gia vẫn đánh giá cao tiềm năng dài hạn của nhóm cổ phiếu bất động sản, nhưng khó có thể xem đây là lựa chọn tốt nhất, bởi cơ hội không chia đều cho tất cả. Thực tế, ở nhóm ngành nào cũng có những doanh nghiệp tốt và chưa tốt, quyết định đầu tư hay không đều phụ thuộc vào “khẩu vị” rủi ro và sự hiểu biết về doanh nghiệp đó của mỗi nhà đầu tư.

Compare listings

So sánh