Trong 7 năm, anh T (ngụ Tp.Thủ Đức, Tp.HCM) đem tiền đi đầu tư 3 bất động sản (BĐS) thì gần như lỗ cả 3, chỉ có một BĐS là bán huề vốn bỏ ra. Nghĩ đến con đường đầu tư BĐS có phần gian nan của mình, anh T chỉ “ngậm ngùi” cho rằng mình “kém duyên” với BĐS.
Quả thực, trong đầu tư BĐS, các chuyên gia trong ngành vẫn hay dùng chữ “duyên” khi đầu tư. “Có duyên với mảnh đất này” “có duyên với căn hộ kia”…hoặc “anh không có duyên với căn nhà đó”….duyên ở đây được hiểu là có mối liên kết đặc biệt với một BĐS mà gần như nhà đầu tư sẽ mua được (tưởng không mua được nhưng vẫn thuộc về mình) hoặc sẽ có lợi nhuận tốt nếu đầu tư BĐS đó. Còn ngược lại, không có duyên là không mua/khó mua được BĐS dù cố gắng, hoặc có thể hiểu là, đầu tư đến đâu thua đến đó.
Trên thị trường BĐS, thực tế không phải ai đầu tư cũng thắng. Thậm chí, có những nhà đầu tư, đầu tư đến đâu lỗ đến đó, mặc dù cũng là người am hiểu thị trường hoặc rất cẩn trọng khi vào thị trường.
Anh T (ngụ Tp.Thủ Đức) là trường hợp như thế. Bất động sản anh mua đầu tư đầu tiên vào cuối năm 2015 là căn hộ tại Q.9 (cũ). Anh mua khi CĐT đã xây xong móng với giá 1.1 tỉ đồng/căn. Sau khi CĐT xây đến tầng 4, do kẹt tiền làm ăn nên năm 2016, anh nhờ môi giới rao bán. Sau khi gửi vài môi giới, cuối cùng cũng có khách hỏi mua nhưng không phải mua với giá 1.3 tỉ như anh rao, mà họ trả 1,05 tỉ đồng, tức còn thấp hơn 50 triệu đồng so với giá mua vào của anh. Hỏi ra, anh T được biết, thời điểm anh bán, hàng thứ cấp của NĐT mua cùng thời điểm với anh bán ra khá nhiều, chưa kể, hàng của CĐT cũng còn (trong khi mua của CĐT, khách hàng sẽ được chiết khấu, nhận quà…) cho nên anh bị ép giá rõ thấy. Vì đang cần vốn nên anh T “tặc lưỡi” bán ra.
Sau đó, khi công việc kinh doanh riêng ổn định, năm 2018, anh T tiếp tục tìm hiểu để đầu tư BĐS với số vốn nhàn rỗi. Lần này anh không mua BĐS tại Tp.HCM (vì giá cũng đã khá cao), mà tìm hiểu BĐS tỉnh. Anh chọn Bình Phước vì thời điểm đó có một số dự án khu đô thị của CĐT cũng có tên tuổi trên thị trường, đầu tư hạ tầng khá chỉn chu, đẹp mắt. Anh T bỏ ra 1.6 tỉ đồng để mua 2 nền đất trong dự án gần Tp. Đồng Xoài. Do tiền nhàn rỗi, nên anh T không bán vội mà cứ để đó chờ lên giá. Tính nhẩm trong đầu, ít ra 2 nền đất đó sau 1-2 năm có thể lời gấp đôi, vì hạ tầng CĐT đầu tư khá chỉn chu. Chưa kể, môi giới BĐS bán đất cho anh cũng khẳng định như “đinh đóng cột” là 2 nền đất của anh có thể tăng giá gấp đôi, gấp ba sau 2 năm.
Đến đầu năm 2020, khi Covid-19 bắt đầu xuất hiện, anh T lo là BĐS cũng ảnh hưởng nên dò giá 2 nền đất của mình để tìm cơ hội bán ra. Tuy nhiên, anh nhận được câu trả lời từ môi giới là thị trường Bình Phước chậm, lại dịch nên gần như không có nhà đầu đi tìm hiểu đất nền. “Nếu bán ra thì hai nền đất của anh, em sẽ chào chênh khoảng 5% so với giá mua vào. Dạo này đất đai chậm lắm anh ơi. Khi nào có khách em báo nhé”, anh T kể lại lời môi giới nói với mình.
Sau đó vài tháng, anh T vẫn không nhận được hồi âm của môi giới, nên sốt ruột gọi lại thì được biết, đất của anh gần vẫn không có giao dịch, vì thị trường chậm chung. Vì nghĩ nếu cứ để vậy, dịch Covid-19 có thể còn kéo dài có khi đất của mình sẽ xuống giá. Anh T bắt đầu tìm kiếm mọi cách để bán ra. Sau đó khoảng 1 tháng, anh T tìm được nhà đầu tư Tp.HCM có vốn nhàn rỗi đang tính đầu tư BĐS Bình Phước (người quen chỗ bạn thân) nên anh T quyết định “nắm cơ hội” bán ra 2 nền đất với giá 1.5 tỉ đồng, tức lỗ 100 triệu đồng so với giá mua vào. “Dù bán lỗ nhưng tôi thấy yên tâm, vì để nữa, đến giờ có khi xuống giá thảm, đến tận giờ 2 nền đất đó vẫn chưa ra được sổ”, anh T cho hay.
Vẫn không để dòng tiền “đứng yên” mặc dù 2 lần lỗ, anh T vẫn nuôi ý định đầu tư BĐS. Với suy nghĩ, những lần đầu tư trước có thể do anh chọn sai phân khúc, thị trường nên lần này chắc ăn hơn, anh T hùn vốn với người bạn thân mua nền đất 2.5 tỉ đồng (đã có sổ đỏ) tại Q.9 vào cuối năm 2021. Đến đầu 2021, đất quận 9 có dấu hiệu nóng nhẹ, ngời bạn bàn với anh T bán ra, chênh khoảng 200 triệu. Do mới đầu tư, nghĩ có thể chốt lời thêm vào khoảng giữa năm 2021, anh T không bán mà chờ thêm. Đến cuối tháng 4/2021, Covid-19 bùng đợt 4 tại Tp.HCM và kéo dài đến tận bây giờ. Anh T lại lần nữa đau đầu vì ôm đất, không rõ tình hình dịch thế nào để chốt lời. Thăm dò giá cả, anh T được biết giá nền đất anh mua đã về ngưỡng giá ban đầu mua vào, thay vì lời 200 triệu như thời điểm tháng 2/2021.
“Nếu dịch còn kéo dài, có khi tôi phải bàn với người bạn là bán huề vốn, vì sợ để lâu lại xuống giá”, anh T chia sẻ.
Khi hỏi, liệu anh có tiếp tục đầu tư BĐS không, anh T chia sẻ: “Có lẽ mình không có duyên với BĐS thật. Nhưng, nếu có cơ hội tốt vẫn sẽ mua”, anh T cho hay.
Theo nhà đầu tư này, thực tế, có những “lỗi” trong đầu tư mà không phải hoàn toàn do chữ “duyên” mà mình hay nói. Anh đúc kết, những lần anh đầu tư BĐS thất bại cũng một phần do tính nóng vội muốn bán, phần ham lợi nhuận, phần vì không tìm hiểu kỹ càng thị trường khu vực muốn đầu tư. Những nguyên nhân này từ phía chủ quan, cộng với thực tế thị trường không được suôn sẻ như mình kỳ vọng nên gần như đầu tư thua lỗ.
Anh T cho rằng, có thể anh vẫn may mắn hơn một số nhà đầu tư vì số vốn bỏ ra đầu tư không quá lớn, phần bị lỗ cũng ít. Có một số nhà đầu tư anh biết, khi đầu tư BĐS lỗ tiền tỉ là chuyện không hiếm gặp, hoặc họ có thể đầu tư thắng vài lần nhưng thua cũng không ít. Những lần thua gần như không được nói ra.
“Nói chung, trong đầu tư BĐS thì rủi ro là luôn có. Có thể mình tính không bằng trời tính. Nhưng, không vì thế mà không tìm cơ hội đầu tư”, anh T chia sẻ.