Cần cơ chế ưu đãi cho chủ đầu tư xây nhà ở công nhân

Các địa phương đề xuất cần có thêm ưu đãi đồng thời gắn trách nhiệm buộc chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng các khu công nghiệp phải đầu tư khu nhà ở công nhân.

Vấn đề quy hoạch còn nhiều bất cập

Chia sẻ tại Tọa đàm, “Phát triển nhà ở cho công nhân – Thực trạng và giải pháp” do Bộ Xây dựng và Báo Xây dựng tổ chức mới đây, ông Đào Công Hùng – Phó giám đốc Sở xây dựng tỉnh Bắc Giang cho biết, vấn đề nhà ở công nhân trong khu công nghiệp là vấn đề cấp thiết, thế nhưng thực trạng đằng sau đó là công tác an sinh xã hội công nhân lao động đang bỏ quên.

Không chỉ còn thiếu nhà ở công nhân mà các chủ đầu tư hiện cũng mới chỉ tập trung vấn đề xây dựng nhà ở để bán còn các tiện ích hạ tầng xã hội như nhà trẻ, khu vui chơi… chưa có. Mặt khác, vấn đề lựa chọn chủ đầu tư vẫn còn khó khăn bởi lợi nhuận thấp, vấn đề giải phóng mặt bằng vẫn còn rất nhiều khó khăn.

Đồng quan điểm, đại diện Sở xây dựng Hải Dương cũng chia sẻ thực trạng tại Hải Dương dù đã có quy hoạch nhà ở công nhân rồi nhưng lại chưa có chủ đầu tư nên chưa thể thực hiện được mục tiêu trên.

Ghi nhận về những khó khăn trên, PGS. TS. KTS. Lưu Đức Cường – Viện trưởng Viện QH ĐT-NT QG (VIUP) chỉ rõ, một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên chính là nguồn vốn tín dụng dành để cấp bù lãi suất cho các chủ đầu tư dự án và các đối tượng được ưu đãi vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội (trong đó có công nhân khu công nghiệp) vẫn còn thiếu cơ chế ưu đãi miễn tiền sử dụng đất; miễn, giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp; vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội, tổ chức tín dụng; cho phép chi phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong khu nhà ở công nhân được hạch toán vào chi phí giá thành hạ tầng chung của cả khu công nghiệp. Vì vậy, có nhiều dự án nhà ở xã hội không thể triển khai thực hiện do không có vốn.

Bên cạnh đó, nhà ở công nhân được gắn với hệ thống nhà ở xã hội, cùng đó với quy định hạn chế đất dân dụng trong Khu công nghiệp, dẫn đến trong quy hoạch đô thị mặc dù đã đưa yêu cầu về hệ thống quỹ đất dành cho nhà ở xã hội, nhưng chưa gắn kết vấn đề nhà ở xã hội (trong đó có nhà ở công nhân) với các Khu công nghiệp.

Không những vậy, hiện vẫn còn tình trạng, một số địa phương chưa quan tâm chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, đặc biệt là kế hoạch phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Tại một số địa phương, trong quy hoạch đô thị chưa xác định rõ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội, chưa thực hiện nghiêm quy định dành 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà ở xã hội hoặc có bố trí nhưng lại ở những vị trí không thuận lợi hoặc chưa giải phóng xong mặt bằng…, dẫn đến thiếu quỹ đất sạch để triển khai dự án nhà ở xã hội. 

Đối với công tác quy hoạch xây dựng các khu công nghiệp, theo quy định khi thực hiện quy hoạch xây dựng không quy hoạch khu dân dụng trong khu công nghiệp, vì vậy quy hoạch xây dựng khu công nghiệp không đưa ra các giải pháp cho nhà ở công nhân.

Cần cơ chế riêng cho chủ đầu tư

Trên cương vị doanh nghiệp, ông Phạm Văn Ân – Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) chia sẻ tại Tọa đàm, có lẽ không nhiều nhà đầu tư quan tâm đến loại hình này do giới hạn về lợi nhuận dự án; giới hạn về đối tượng khách hàng; so với các dự án nhà ở thương mại cần thêm một số thủ tục liên quan đến dự án nhà ở xã hội: phê duyệt giá, danh sách khách hàng. Trong dự án nhà ở xã hội bắt buộc phải bố trí một phần diện tích nhà cho thuê nên cũng phần nào làm giảm sự hấp dẫn của phân khúc này.

Để khắc phục những khó khăn trên, các địa phương đề xuất một số giải pháp. Thứ nhất, khi lập quy hoạch KCN, tính toán dự báo số lượng công nhân tại KCN có nhu cầu về chỗ ở (từ 50-60% số lượng công nhân ), từ đó bố trí đủ quỹ đất ở để xây dựng nhà ở cho công nhân (đồng bộ bao gồm khu nhà ở và các thiết chế văn hóa kèm theo).

Thứ hai, gắn trách nhiệm bắt buộc chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng các KCN có trách nhiệm phải đầu tư khu nhà ở công nhân và được xem khu nhà ở cho công nhân tương tự như hạ tầng kỹ thuật KCN mà chủ đầu tư thực hiện.

Thứ ba, về cơ chế ưu đãi cho chủ đầu tư, chủ đầu tư thực hiện giải phóng mặt bằng (nếu có) và được khấu trừ chi phí này khi nộp tiền sử dụng đất kinh doanh hạ tầng KCN theo quy định của pháp luật về đất đai để được hưởng ưu đãi tương tự như quỹ đất xây dựng nhà ở XH 20% trong các dự án nhà ở thương mại.

Thứ tư, về vay vốn để xây dựng; mua, thuê mua nhà ở xã hội, cần xem xét quy định tổ chức tín dụng chủ đầu tư vay vốn đồng thời là đơn vị cho vay đối với người mua, thuê mua nhà ở xã hội tại cùng dự án.

Và cuối cùng, cho phép Chủ đầu tư được áp dụng hình thức tự thực hiện đối với các công tác tư vấn, thi công xây lắp … nếu có đủ năng lực theo quy định của pháp luật về xây dựng.

Trong khi đó, theo bà Vũ Thị Hợp – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần thương mại Dạ Hợp, Chính phủ nên ưu tiên bố trí nguồn vốn xây dựng nhà ở công nhân cho các ngân hàng thương mại thay cho ngân hàng chính sách thì việc sử dụng vốn sẽ được hiệu quả hơn.

“Bên cạnh đó, tiếp tục giao các chỉ tiêu nhà ở công nhân cho các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Khi xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, doanh nghiệp mong muốn các dự án không cần qua đấu thầu mà nên chấm điểm để lựa chọn nhà đầu tư” – bà Hợp đề xuất.

Compare listings

So sánh