Thanh tra Bộ Xây dựng tiếp tục thanh tra việc quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư tại nhiều địa phương đang có nhiều tranh chấp, bức xúc.
Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác thanh tra chuyên ngành năm 2022 mà Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã giao Thanh tra Bộ phối hợp với một số địa phương tiếp tục thanh tra chuyên đề diện rộng về công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư có nhiều đơn thư khiếu nại của cư dân.
Ngoài ra, Thanh tra Bộ Xây dựng được giao thanh tra chuyên đề diện rộng về việc dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt chú trọng đối với nhà ở công nhân theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Xây dựng tại hội nghị ngày 03/11/2021 và theo hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ tại văn bản số 1889 ngày 26/10/2021.
Thanh tra loạt điểm nóng, kiến nghị xử lý 342 tỷ đồng
Tại hội nghị báo cáo kết quả công tác thanh tra 10 tháng và nhiệm vụ trọng tâm 2 tháng cuối năm 2021, Thanh tra Bộ Xây dựng cho biết, trong 10 tháng vừa qua thanh tra Bộ đã triển khai 3 đoàn thanh tra theo kế hoạch 2021; 5 đoàn kiểm tra, xác minh giải quyết theo đơn thư khiếu nại, tố cáo và chỉ đạo của Bộ trưởng và Lãnh đạo Bộ.
Bên cạnh đó, cử cán bộ tham gia 04 đoàn thanh tra, rà soát giải quyết khiếu nại, tố cáo do Thanh tra Chính phủ thành lập tại Thành phố Hà Nội và 2 tỉnh Vĩnh Phúc, Hà Nam.
Thanh tra Bộ đã ban hành 24 kết luận thanh tra, kiến nghị xử lý về kinh tế 348,26 tỷ đồng. Trong đó có 4 kết luận thanh tra công quản lý nhà nước về xây dựng và quản lý hoạt động đầu tư xây dựng, yêu cầu xử lý về kinh tế số tiền 3,3 tỷ đồng; ban hành 7 quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 602,5 triệu đồng.
18 kết luận thanh tra công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư, kết luận đã buộc 12/18 chủ đầu tư phải thực hiện gửi vào tài khoản kinh phí bảo trì theo quy định và quyết toán số liệu để chuyển sang ngay trong vòng 10 ngày cho ban quản trị nhà chung cư, tổng số kinh phí bảo trì là hơn 344,96 tỷ đồng.
Buộc chủ đầu tư trả lại trong thời hạn 20 ngày với diện tích 2.080 m2 lấn chiếm phần sở hữu, sử dụng chung về cho cư dân (tương đương số tiền khoảng 62,4 tỷ đồng).
Đây là lần đầu tiên vấn đề phí bảo trì chung cư được Thanh tra Bộ Xây dựng thực hiện thanh tra. Sau khi kết luận được công bố nhiều điểm nóng về quỹ bảo trì ở các chung cư đã giải quyết được những bức xúc đã tồn tại, kéo dài suốt nhiều năm qua.
Như tại chung cư Riveside Garden (số 349 Vũ Tông Phan, Khương Đình, Thanh Xuân) chủ đầu tư là Liên danh Công ty CP Sản xuất kinh doanh và xuất nhập khẩu Prosimex và Công ty CP Đầu tư thiết kế và xây dựng Việt Nam (nay là Công ty CP Tập đoàn Videc) đã quản lý kinh phí bảo trì không đúng quy định. Thời điểm thanh tra tháng 1/2020, chủ đầu tư đang quản lý kinh phí bảo trì tại tài khoản của chủ đầu tư với lãi suất không kỳ hạn. Đến tháng 12/2020, chủ đầu tư còn “om” hơn 13 tỷ đồng phí bảo trì trên tổng số tiền hơn 24 tỷ đồng đã thu của khách hàng.
Thanh tra Bộ Xây dựng đã ra quyết định xử phạt chủ đầu tư 275 triệu đồng. Đồng thời, yêu cầu Công ty CP Tập đoàn VIDEC quyết toán, bàn giao nốt 13,2 tỷ đồng quỹ bảo trì cho BQT nhà chung cư.
Cũng theo kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng, để xử lý hàng loạt vi phạm của Công ty CP đầu tư Hải Phát Thủ Đô – chủ đầu tư 2 dự án CT2-105 khu đô thị Văn Khê mở rộng (tên thương mại HPC Landmark) và dự án Hanoi Homeland, Thanh tra Bộ Xây dựng yêu cầu chủ đầu tư xem xét, xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân liên quan.
Cơ quan thanh tra yêu cầu Công ty CP đầu tư Hải Phát Thủ Đô sớm tổ chức hội nghị nhà chung cư để lập ban quản trị, đồng thời gửi số tiền gốc và lãi đối với số tiền 14,5 tỷ đồng quỹ bảo trì chung cư HPC Landmark và 33,1 tỷ đồng quỹ bảo trì chung cư Hanoi Homeland cho các ban quản trị tòa nhà.
Đáng chú ý, trong tháng 7 vừa qua, Thanh tra Bộ đã trình Bộ ban hành văn bản số 2608 gửi lấy ý kiến UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 139/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước ngành xây dựng. Dự thảo Nghị định gồm 84 điều, chia thành 7 chương, bao gồm 70 nhóm hành vi vi phạm trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng với nhiều tính mới thể hiện tính răn đe và có tính khả thi cao trên thực tiễn.
Thanh tra Bộ cho biết, hiện nay đã tiếp thu 125/125 ý kiến đóng góp, dự kiến hoàn thành dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 139/2017/NĐ-CP báo cáo Bộ trưởng trình Chính phủ ban hành trong năm 2021 (hiện đã trình Bộ Tư pháp thẩm định).
Tiếp tục thanh tra phí bảo trì chung cư, quỹ đất nhà xã hội
Trong 3 tháng cuối năm, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, Thanh tra sẽ chủ động để phù hợp với tình hình thực tế dịch Covid-19. Trong đó, đảm bảo hoàn thành dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 139/2017 báo cáo Bộ trưởng trình Chính phủ trong năm 2021.
Về công tác thanh tra sẽ trình Bộ trưởng xem xét điều chỉnh Kế hoạch thanh tra 2021; báo cáo Bộ trưởng không triển khai thành lập đoàn mới trong năm và điều chỉnh 9 đoàn còn lại của Kế hoạch 2021.
Cũng theo ông Tuấn, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới của Thanh tra Bộ là xây dựng kế hoạch thanh tra năm 2022 trên nguyên tắc phủ kín và phục vụ hiệu quả các nhiệm vụ quản lý nhà nước của ngành; tập trung vào một số vấn đề nổi cộm hiện nay…
Trên cơ sở đó Thanh tra Bộ Xây dựng dự kiến thanh tra hành chính từ 2-3 đoàn, thanh tra chuyên ngành từ 5-8 đoàn.
Cụ thể, thanh tra công tác quản lý hoạt động đầu tư xây dựng tại một số dự án do Bộ (ngành), tập đoàn, tổng công ty nhà nước làm chủ đầu tư (từ 2 đến 3 đoàn); Thanh tra công tác quản lý nhà nước về xây dựng của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (từ 2 đến 3 tỉnh) trong 7 lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ.
Đặc biệt, thanh tra 2 chuyên đề diện rộng về công tác quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư trên địa bàn tỉnh, thành phố và việc dành quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội đối với các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị theo quy định của pháp luật về nhà ở.
Sau khi kiểm tra, rà soát không trùng với Kế hoạch của Kiểm toán nhà nước và Thanh tra Chính phủ, đối tượng thanh tra của 2 nội dung chuyên đề là chủ đầu tư, nhà đầu tư, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan tại một số tỉnh, thành phố.
Bên cạnh đó, việc thanh tra đột xuất sẽ thực hiện theo yêu cầu, chỉ đạo của Bộ để phục vụ công tác quản lý nhà nước và kiểm tra xác minh giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của Bộ Xây dựng (từ 4 đến 6 đoàn).